Multimedia Đọc Báo in

“Quán cơm 0 đồng” của đại úy Cảnh sát giao thông

08:02, 07/10/2022

Gần hai tháng qua, “Quán cơm 0 đồng” nằm trên đường 10/3 (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) của đại úy Lê Hùng Dương (công tác tại Đội Cảnh sát giao thông, Công an TP. Buôn Ma Thuột) đã trở thành địa chỉ quen thuộc cho những người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố.

Chúng tôi có dịp đến thăm “Quán cơm 0 đồng” của anh Lê Hùng Dương vào một ngày mưa cuối tháng 9. Lúc này, anh Dương đang lúi húi dọn dẹp trong quán. Nhìn thấy một phụ nữ lớn tuổi đang lầm lũi dắt xe đạp dưới cơn mưa nặng hạt, anh vội chạy ra chào hỏi: “Trời đang mưa to quá, cô ghé vào đây ngồi chờ đỡ mưa. À, cô đã ăn cơm chưa? Mời cô vào ăn, đây là quán cơm miễn phí, không cần phải trả tiền ạ”.

Ban đầu người phụ nữ có chút e ngại, nhưng rồi nhận thấy sự chân tình của anh Dương, cô mạnh dạn bước vào quán dùng bữa. Cô kể, cô tên Hoàng Thị Ba, hiện trú phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột), hằng ngày vẫn rong ruổi khắp các nẻo đường để nhặt ve chai kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Mỗi ngày, cô kiếm được khoảng 30 nghìn đồng, ngày nào nhiều nhất thì khoảng 100 nghìn đồng. Thu nhập tuy thấp nhưng cô vẫn thường đi gom quần áo cũ cho các nhóm từ thiện phát cho bà con nghèo. Bản thân cô cảm thấy quán cơm hết sức ý nghĩa, giúp những có hoàn cảnh khó khăn có bữa cơm ngon miệng, ấm lòng, đặc biệt vào những ngày mưa gió.

Anh Lê Hùng Dương (bìa phải) cùng những người bạn chuẩn bị cơm cho khách tại "Quán cơm 0 đồng".

Bên ly trà nóng, anh Dương trải lòng, quán cơm này là tâm huyết của bản thân mình. Nhiều tháng trước, trên đường đi làm về, anh để ý thấy có bãi đất trống tại đây cho thuê. Vốn hằng ngày chứng kiến và đồng cảm với những người lao động thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn, anh ấp ủ ý tưởng mở một quán cơm miễn phí nho nhỏ giúp họ có một bữa ăn ngon miệng để có sức tiếp tục ngày lao động của mình. Tuy vậy, do kinh phí hạn hẹp nên sau khi thuê được mặt bằng, anh cùng vài người bạn phải tranh thủ mỗi ngày một ít, tự tay làm tất cả mọi việc để xây dựng quán. Sau nhiều tháng tất bật, đến ngày 19/8/2022, “Quán cơm 0 đồng” chính thức mở cửa phục vụ người dân có hoàn cảnh khó khăn. Quán mở từ 11 - 14 giờ từ thứ năm đến chủ nhật hằng tuần, mỗi ngày phục vụ khoảng 60 suất cơm, ngày nhiều có thể lên đến 100 suất...

 Câu chuyện của chúng tôi với anh Dương nhiều lần bị ngắt quãng bởi thực khách liên tục ghé vào, anh Dương lại tất bật phục vụ.

Nhiều người khuyết tật bán vé số, người bán hàng rong, nhặt ve chai, lao động có hoàn cảnh khó khăn dần trở thành khách quen của quán. Mọi người nhận xét món ăn rất ngon, đa dạng, phục vụ chu đáo, tận tình. Trong quán cơm luôn có 4 - 5 người túc trực phục vụ. Họ đều là bạn bè của anh Dương tình nguyện đến góp sức, hỗ trợ đi chợ, nấu cơm, phục vụ tại quán. Như anh Lê Văn Sơn (34 tuổi, TP. Buôn Ma Thuột) vốn có kinh nghiệm nhiều năm làm bếp, khi thấy anh Dương mở quán, cứ cuối tuần anh lại đến phụ giúp nấu cơm. Anh Sơn cho biết, quán luôn chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm ở từng khâu, lên thực đơn đa dạng. Ngoài phục vụ tại quán, ở đây còn nhận giao cơm tận nơi cho những cô chú tật nguyền, bán hàng rong không có điều kiện đi đến quán. Anh Nguyễn Thanh Tùng (42 tuổi) là tài xế xe công nghệ, gia đình đang thuê trọ vẫn tranh thủ những lúc rảnh rỗi đến quán phụ việc. Anh chia sẻ rằng rất vui khi được góp một chút công sức vào việc làm ý nghĩa, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng.

Khách thân quen của quán phần lớn là những lao động có thu nhập thấp trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Cùng với việc mở “Quán cơm 0 đồng”, anh Dương còn được biết đến là người chuyên đi giải cứu chó, mèo từ các lò mổ, bị bỏ rơi, bệnh tật. Anh cùng bạn bè đã giải cứu được hàng trăm chú chó, mèo các loại, hiện anh đang cưu mang, nuôi dưỡng khoảng 70 chú chó, mèo tại căn nhà cho thuê. Tại “Quán cơm 0 đồng”, anh treo băng rôn với thông điệp “Chó, mèo là bạn, không phải là thức ăn”, đồng thời mở các clip thể hiện tình yêu thương chó, mèo với mong muốn lan tỏa tình yêu động vật đến tất cả mọi người trong cộng đồng.

Anh Dương cho hay,  kinh phí duy trì quán cơm mỗi tháng khoảng 20 triệu đồng. Thời gian qua, nhiều cô chú, anh chị biết đến quán đã mang gạo, thực phẩm tươi sống đến ủng hộ giúp giảm nhiều chi phí. Tuy vậy, để duy trì quán lâu dài vẫn là một bài toán nan giải. Vì quán chỉ mở cửa vào khung giờ trưa nên sắp tới dự định kinh doanh thêm đồ uống, đồ ăn tại đây vào buổi sáng hoặc chiều để kiếm thêm thu nhập, lấy kinh phí duy trì hoạt động của quán.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.