Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Chú trọng công tác đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn

08:14, 28/10/2022

Những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được TP. Buôn Ma Thuột quan tâm và triển khai đồng bộ. Qua đó, giúp nhiều học viên có cơ hội tìm việc làm, tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Nắm bắt được nhu cầu lao động trên địa bàn, nhiều năm nay Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN – GDTX) TP. Buôn Ma Thuột phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội mở các lớp sơ cấp nghề kỹ thuật nấu ăn cho hàng trăm học viên tại các xã trên địa bàn. Qua khảo sát, phần lớn học viên trong độ tuổi lao động có nhu cầu học nghề chủ yếu là phụ nữ, trong đó nhiều chị em có mong muốn học nghề nấu ăn để về phục vụ cuộc sống gia đình hằng ngày, một phần kiếm việc làm ở các khu, điểm du lịch hoặc nấu ăn dịch vụ lưu động.

Vui mừng vì sau khi tốt nghiệp khóa học kỹ thuật nấu ăn và tìm được việc làm gần nhà, chị H’Pliêr Êban (buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, cách đây hơn 2 năm, khi nghe thông tin Trung tâm GDNN - GDTX thành phố phối hợp với Hội LHPN xã Ea Kao tổ chức lớp học nghề kỹ thuật nấu ăn cho hội viên, chị đã đăng ký tham gia. Tham gia lớp học, chị tiếp thu được nhiều kiến thức về cách lựa chọn thực phẩm an toàn, cách chế biến món ăn hằng ngày cho gia đình, cách trình bày món ăn ở nhà hàng, khu du lịch… Ngoài ra, chị và các học viên khác còn được hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/ngày (tổng số 52 ngày/khóa học). Sau khi tốt nghiệp, chị may mắn được nhận vào làm tại Homestay HNOH Ea Kao (buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột). Hai năm nay, mỗi lần có đoàn khách du lịch đến tham quan, ăn uống, chị cùng nhóm ẩm thực đều có mặt từ sáng sớm tại Homestay HNOH Ea Kao để chuẩn bị bữa ăn cho các đoàn khách. Chị rất hài lòng về những kiến thức mà mình có được tại khóa học này, bởi nó thiết thực với cuộc sống hằng ngày của chị và nhờ đó chị cũng tìm được việc làm ổn định, có thêm nguồn thu nhập nuôi các con ăn học.

Chị H’Pliêr Êban chuẩn bị bàn tiệc đãi khách tại Homestay HNOH Ea Kao (buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột).

Chị H’Bluen Niê (buôn Tơng Jú, xã Ea Kao) cũng nhờ lớp học nghề mà tìm được việc làm, có thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Chị tâm sự, tháng 7/2021 khi nghe địa phương thông báo có lớp dạy nghề kỹ thuật nấu ăn, chị đăng ký theo học với mục đích ban đầu để có thêm kiến thức về nội trợ phục vụ việc nấu nướng cho gia đình. Đối với chị, nấu nướng là niềm đam mê nên trong toàn khóa học chị đều tham gia đầy đủ. Chị ấn tượng nhất với khóa học là ngoài việc chỉ dạy nấu các món ăn phổ thông, giáo viên còn dạy rất kỹ cách chế biến món ăn truyền thống của người Êđê. Nhờ đó, sau khi tốt nghiệp khóa học, chị đến xin việc tại Homestay HNOH Ea Kao và được nhận vào làm. Hơn một năm nay, đều đặn mỗi tháng chị có thêm nguồn thu nhập từ việc nấu ăn tại Homestay này.

Chị Trần Thị Hoài Thương, nhân viên Tổ Đào tạo nghề - Hướng nghiệp (Trung tâm GDNN – GDTX thành phố) đánh giá, thời gian mỗi khóa học chỉ 3 tháng, nhưng với sự hướng dẫn tận tình của giáo viên, các học viên đã được hướng dẫn chi tiết về quy trình chế biến các món ăn, từ khâu lựa chọn nguyên vật liệu, sơ chế, chế biến, đến khâu trang trí. Cùng với đó, các học viên còn được trang bị kiến thức về chế độ dinh dưỡng, quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Về thực hành, học viên được thực hành chế biến một số món ăn từ dân dã phổ biến hằng ngày trong gia đình, đến các món ăn sang trọng được sử dụng trong đám tiệc, nhà hàng…

Chị H’Bluen Niê chêm rượu cần mời khách đến tham quan, trải nghiệm tại Homestay HNOH Ea Kao (buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột).

Từ năm 2019 đến nay, Trung tâm GGNN - GDTX thành phố đã phối hợp với các đơn vị, địa phương mở được 9 lớp sơ cấp kỹ thuật nấu ăn cho 313 học viên. Trong đó, có 4 lớp được mở tại các thôn, buôn của xã Ea Tu gồm buôn Jù, Kotam và thôn 3; có 3 lớp được mở tại buôn Tơng Jú, xã Ea Kao; 1 lớp mở tại buôn Tuôr, xã Hòa Phú và 1 lớp mở tại xã Cư Êbur. Thông qua các lớp học đã giúp lực lượng lao động nông thôn tại địa phương có thêm kiến thức về nghề theo học, từ đó có thể tìm được việc làm trong các bếp ăn trường học, hoặc tổ chức các nhóm nghề nấu cỗ phục vụ các tiệc cưới, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặc biệt là tại các điểm du lịch ở địa phương mình sinh sống hoặc tự tạo việc làm cho bản thân, góp phần cải thiện kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

Phạm Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.