Multimedia Đọc Báo in

Hướng tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân: Đẩy mạnh giải pháp truyền thông

08:18, 17/11/2022

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách Bảo hiểm y tế (BHYT) đã được Bảo hiểm xã hội (BHXH) các cấp coi trọng với nhiều hình thức tuyên truyền.  Đây cũng được xem là một trong những giải pháp cơ bản để thực hiện thành công mục tiêu BHYT toàn dân.

Tháng 2 vừa qua, anh Lê Đình Dũng (28 tuổi, ở xã Cư Né, huyện Krông Búk) gặp vấn đề về sức khỏe phải phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Kết thúc thời gian nằm viện, số tiền viện phí anh Dũng phải thanh toán là gần 10 triệu đồng. Rất may, trước đó, nhờ được các tổ chức đoàn thể tại thôn, buôn tuyên truyền về lợi ích của BHYT anh Dũng đã kịp thời tham gia, nên mọi chi phí khám chữa bệnh đã được Quỹ BHYT chi trả 100%, anh chỉ phải chi một khoản nhỏ thanh toán tiền giường nằm trong quá trình điều trị.

Tuyên truyền chính sách BHYT cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Ông Phạm Anh Vũ, Phó Giám đốc BHXH huyện Krông Búk cho biết, thời gian qua, việc phát triển đối tượng BHYT được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của toàn ngành. Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu thu hút người dân tham gia BHYT, BHXH huyện Krông Búk đã tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức như đăng tải các chuyên trang, chuyên mục, tổ chức hội nghị tập huấn, đối thoại, hội nghị giao ban; xây dựng pa nô, áp phích, tờ rơi, băng rôn nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về quyền lợi của BHYT.

Dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan liên quan đã tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 25-CT/HU ngày 31/8/2022 của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2022 - 2025 đến cán bộ, đảng viên và đông đảo tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các thành phần kinh tế.

Đặc biệt, UBND huyện Krông Búk đã chỉ đạo BHXH huyện phối hợp với các hội, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của BHYT đến đồng bào dân tộc thiểu số ở các khu vực không còn được Nhà nước hỗ trợ BHYT theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, UBND huyện Krông Búk cũng chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh nâng cao chất lượng dịch vụ y tế giúp người dân được chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Thường xuyên đào tạo, tập huấn cho đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế nắm bắt kịp thời những điểm mới, cải cách trong chính sách BHYT toàn dân, từ đó nâng cao ý thức và đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Đây cũng được xem là giải pháp then chốt để vận động người dân tham gia BHYT.

Tuyên truyền chính sách BHYT cho người dân trên địa bàn tỉnh.
 

Nhờ đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông, ngành BHXH không còn “đơn thương độc mã” trong việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, mà đã có sự đồng hành vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp” .

 
Giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Khắc Tuấn

Nhờ các giải pháp trên, việc thực hiện chính sách BHYT tại huyện Krông Búk đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính đến ngày 30/9/2022, số người tham gia BHYT toàn huyện là 55.458 người, đạt 92,53% kế hoạch UBND tỉnh giao, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 87,22% dân số, tăng 7,76% so với cùng kỳ năm 2021.

Tại thị xã Buôn Hồ, cùng với việc chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để truyên truyền lợi ích của việc tham gia BHYT cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, đầu tháng 12/2021 Thị ủy Buôn Hồ cũng đã có văn bản chỉ đạo các tổ kết nghĩa với các buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thị xã hỗ trợ 50 thẻ BHYT cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn và đảng ủy, UBND các xã, phường hỗ trợ 50 thẻ với hình thức hỗ trợ 100% giá trị thẻ BHYT, thời hạn sử dụng tối thiểu 3 tháng/thẻ (khoảng 200 nghìn đồng/thẻ).

Kết quả đến hết năm 2021, toàn thị xã đã có 27/30 tổ kết nghĩa hỗ trợ được gần 1.500 thẻ BHYT với tổng số tiền trên 234 triệu đồng cho các hộ dân ở buôn kết nghĩa. Đây là hoạt động có sức lan tỏa lớn, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, góp phần giảm bớt khó khăn cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số và thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn; giúp giảm gánh nặng về chi phí khám chữa bệnh và hỗ trợ người dân tộc thiểu số tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng tốt.

Theo Giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Khắc Tuấn, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 96-NQ/BCS, ngày 24/8/2017 của Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông BHXH, BHYT trong tình hình mới, BHXH tỉnh đã chủ động nâng cao chất lượng công tác truyền thông, chuyển biến mạnh mẽ cả nội dung lẫn hình thức và phương pháp góp phần đưa chính sách BHYT đến gần với người dân. Thay vì tuyên truyền đơn thuần bằng pano, áp phích, BHXH tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp truyền thông qua phương tiện truyền thông đại chúng, đối thoại trực tiếp với người dân…

Qua đó, góp phần thay đổi nhận thức trong các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương để thấy rằng việc triển khai thực hiện chính sách BHYT, BHXH không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan BHXH mà phải có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Nhờ vậy, từ năm 2017 đến năm 2021, BHXH tỉnh luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao về công tác thu và phát triển người tham gia BHYT. Số BHYT toàn tỉnh hiện đạt trên 1,6 triệu người tham gia, đạt gần 96% chỉ tiêu đặt ra.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.