Lòng biết ơn và sự chia sẻ
Dạy trẻ về lòng biết ơn là điều mà các bậc cha mẹ cũng như nhà trường luôn đặc biệt quan tâm. Thông qua những hình thức sinh động, những tình huống cụ thể sẽ khơi gợi, bồi đắp tình cảm tốt đẹp ấy cho trẻ.
Có thể cảm nhận điều đó qua buổi sinh hoạt ngoại khóa chuyên đề giáo dục kỹ năng sống về lòng biết ơn mà Trường THCS Phạm Hồng Thái (TP. Buôn Ma Thuột) vừa tổ chức với hơn 1.100 học sinh toàn trường tham gia.
Qua chia sẻ những câu chuyện về lòng biết ơn, về tình cảm gia đình của diễn giả đến từ Học viện Đào tạo kỹ năng toàn diện Vinaskills, các em nhận ra những ý nghĩa mới mẻ từ những điều tưởng chừng đã quá quen thuộc. Những lời tâm sự chân tình đã chạm đến những trái tim non trẻ, nhiều em không ngăn được sự nghẹn ngào xúc động.
Đó là sự hối hận tự đáy lòng khi biết mình đã từng có những hành động ngỗ ngược, câu nói giận hờn, sự vô tâm mà cứ nghĩ điều đó là đúng, là đương nhiên; khi đã hơn một lần, dù vô tình hay cố ý làm buồn lòng cha mẹ, thầy cô. Đó là sự biết ơn khi các em còn hiểu được sự vất vả, hy sinh to lớn của cha mẹ, thầy cô… dành cho mình. Để rồi, sau khi kết thúc buổi sinh hoạt, các em đã chạy đến ôm thật chặt người thầy, người cô giáo mình đã từng giận hờn, trách cứ khi bị xử phạt, bị cho điểm kém vì không thuộc bài, lơ đãng trong giờ học.
Cũng có em mạnh dạn đứng lên gửi lời xin lỗi và cảm ơn tới bố mẹ, gia đình về công ơn nuôi dưỡng, cùng lời hứa thay đổi bản thân, cố gắng học tập tốt hơn để không phụ lại công ơn sinh thành, nuôi nấng của cha mẹ, công ơn dạy dỗ của thầy cô - cái điều tưởng chừng rất dễ nói với bạn bè, người ngoài nhưng với bố mẹ bao nhiêu năm qua lại chưa từng nói.
Những giọt nước mắt xúc động của học sinh sau khi nghe chia sẻ. |
Cô Phạm Thị Dịu, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, qua chuyền đề giáo dục kỹ năng sống về lòng biết ơn, hy vọng rằng các em học sinh sẽ học được nhiều bài học bổ ích, trau dồi được những kỹ năng, cảm xúc của bản thân, biết sống có ý nghĩa với gia đình và những người xung quanh; đồng thời, biết thể hiện lòng biết ơn không những chỉ bằng thái độ sống mà còn bằng cả những việc làm cụ thể hằng ngày, bằng những thành tích rèn luyện và học tập của chính mình.
Có thể nói, bên cạnh việc học kiến thức, hoạt động giáo dục kỹ năng sống không chỉ giúp học sinh học tập tốt hơn mà còn giúp các em nhận thức được bản thân mình cũng như biết cách giao tiếp với bạn bè và mọi người xung quanh. Những điều thiết thực được chuyển tải một cách ngắn gọn, gần gũi, dễ hiểu giúp các em dễ cảm, dễ hiểu và tự giác thực hành. Một đứa trẻ lớn lên với lòng biết ơn sẽ biết cảm thông, chia sẻ với mọi người, biết trân trọng giá trị cuộc sống.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc