Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư Kuin: Nỗ lực tạo nghề, tìm việc cho người lao động

08:18, 14/12/2022

Những năm qua, huyện Cư Kuin đã tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề nhằm đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động và thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Theo thống kê của Phòng LĐ-TB&XH huyện Cư Kuin, toàn huyện có 68.720 người trong độ tuổi lao động, chiếm 57,8% dân số.

Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả, hằng năm UBND huyện chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, UBND các xã thống kê tình trạng việc làm, thu nhập của lao động nông thôn; khảo sát tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương; dự báo nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…

Từ đó, làm cơ sở cho việc tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn phù hợp, có khả năng tạo việc làm, tăng năng suất, thu nhập cho người dân. Từ năm 2012 - 2022, huyện đã tổ chức 99 lớp đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, như: may gia dụng, may công nghiệp, xây dựng dân dụng, trồng - khai thác nấm, chăn nuôi gà, lợn, bò, trồng - chăm sóc tiêu… cho 1.918 lao động nông thôn, với tổng kinh phí gần 7,7 tỷ đồng. 

Người lao động  tham gia phiên giao dịch việc làm do UBND huyện Cư Kuin phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức tại xã Hòa Hiệp.

Với mục tiêu gắn công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động, huyện Cư Kuin chú trọng triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu lao động như: phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các đơn vị, DN tổ chức các hoạt động giao lưu, trao đổi thông tin về thị trường lao động, tư vấn việc làm, mở nhiều phiên giao dịch việc làm lưu động tại cơ sở giúp người lao động tiếp cận với nhà tuyển dụng, biết và nắm bắt được những yêu cầu của DN từ đó có cơ hội tìm kiếm việc làm trong và ngoài tỉnh phù hợp với khả năng của bản thân. Trong giai đoạn 2018 - 2022, huyện tổ chức 5 chương trình tư vấn học nghề - việc làm - xuất khẩu lao động, 30 phiên giao dịch việc làm tại các xã thu hút trên 4.500 người lao động tham gia. 

 

Năm 2022, huyện Cư Kuin đã tổ chức tuyển sinh nghề phổ thông và đào tạo nghề cho 2.405 trường hợp (đạt 117,60% kế hoạch); giải quyết việc làm cho 2.636 lao động (đạt 120,86%), trong đó có 153 người xuất khẩu lao động, 908 người đi làm việc trong và ngoài tỉnh; số còn lại được giải quyết việc làm theo chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Nhờ tham gia phiên giao dịch việc làm mà anh Y Tom Niê (xã Hòa Hiệp) đã tìm được việc làm. Anh Y Tom từng có 3 năm đi làm việc tại một công ty sản xuất gỗ ở TP. Hồ Chí Minh với mức lương 8 - 9 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, sau 3 tháng không có việc làm vì thành phố bị phong tỏa, tháng 10/2021 anh trở về quê. Trong thời gian nghỉ ở nhà chờ tìm công việc mới, anh Y Tom phụ gia đình làm rẫy và đi làm thuê. Mới đây, khi biết tin UBND huyện Cư Kuin phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức phiên giao dịch việc làm tại xã Hòa Hiệp, anh đăng ký tham gia. Sau khi nghe tư vấn, tìm hiểu yêu cầu tuyển dụng của DN, anh quyết định nộp hồ sơ ứng tuyển làm công nhân xây dựng cho một dự án ở tỉnh Khánh Hòa, với mức lương từ 15 - 20 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, Phòng LĐ - TB&XH huyện Cư Kuin cùng các ngành liên quan cũng đã tích cực liên hệ, kết nối với các công ty, DN trên địa bàn huyện để giúp người lao động sau khi học nghề có cơ hội tìm được việc làm ổn định ngay tại địa phương.

Đơn cử như trường hợp của chị H’Tra Byă (xã Ea Bhốk) đã tìm được việc làm ngay tại nơi mình sống. Tháng 5/2022, chị H’Tra đăng ký học nghề may công nghiệp do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức. Sau 3 tháng học nghề, chị may mắn được nhận vào làm tại Công ty TNHH Đầu tư TMDV Nga Việt (đóng trên địa bàn huyện Cư Kuin). Đến nay, chị đã có 3 tháng làm việc tại đây, với mức lương từ 4 - 4,2 triệu đồng/tháng (hưởng theo sản phẩm) và được công ty hỗ trợ cơm trưa.

Chị H’Tra bày tỏ: “Điều kiện làm việc ở đây rất tốt, thu nhập ổn định, lại gần nhà nên tôi mong muốn được gắn bó lâu dài với công ty”. Được biết, ngoài chị H’Tra, công ty này còn tạo việc làm cho 4 lao động là người dân tộc thiểu số tại địa phương, với mức lương từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Chị H’Tra Byă (xã Ea Bhốk) làm việc tại Công ty TNHH Đầu tư TMDV Nga Việt.

Không chỉ giải quyết việc làm trong nước, công tác xuất khẩu lao động đang được xem là một trong những giải pháp tạo việc làm, đem lại thu nhập cao cho người lao động trên địa bàn huyện Cư Kuin. Theo đó, huyện đã tạo điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật để các DN đủ điều kiện pháp lý đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thực hiện hoạt động tư vấn, tuyển dụng tại địa phương; đồng thời có chính sách hỗ trợ chi phí xuất cảnh, vốn vay cho người đi lao động xuất khẩu. Từ năm 2018 đến nay, toàn huyện có 603 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có 10 trường hợp được tiếp cận nguồn vay vốn đi lao động xuất khẩu với tổng số tiền 980 triệu đồng.

Bà Đặng Thị Huyền Trang, Phó Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết: “Từ thực tiễn cho thấy, trên 80% người lao động sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề đã biết vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học vào phát triển kinh tế gia đình, được tư vấn nghề nghiệp, hỗ trợ tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm. Qua đó, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người năm 2022 trên địa bàn huyện đạt 44 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,06%.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.