Multimedia Đọc Báo in

Điểm tựa cho phụ nữ Ea Bung

08:20, 14/03/2023

Sâu sát, thấu hiểu hoàn cảnh và nhu cầu của hội viên phụ nữ nghèo, khó khăn, tổ chức hội phụ nữ ở xã vùng biên Ea Bung (huyện Ea Súp) đã có những cách làm phù hợp, cách trợ lực thiết thực, hiệu quả để giúp họ trong cuộc sống, nhất là phát triển kinh tế gia đình.

Chồng qua đời cách đây 8 năm, mình chị Thân Thị Hạnh ở thôn 3 gồng gánh nuôi ba con nhỏ ăn học. Được tham gia các lớp tập huấn do các cấp hội tổ chức, trên diện tích 7 sào ruộng, chị Hạnh đã mạnh dạn trồng các giống lúa mới, năng suất đạt 9 tạ/sào. Còn hơn 8,7 sào vườn, bên cạnh trồng điều và các loại cây ăn quả, chị dành gần 2 sào trồng rau để “lấy ngắn nuôi dài”. 

Được Hội LHPN xã tín chấp cho vay vốn tín dụng ưu đãi, chị Hạnh đầu tư mua máy xới đất, lắp đặt hệ thống tưới tự động khắp vườn rau, đem lại thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/tháng. Nhìn người phụ nữ nhỏ nhắn thành thục điều khiển chiếc máy xới đất, rồi thoăn thoắt trồng tỉa, nhặt cỏ, bật béc tưới nước, cắt rau nhập cho bạn hàng phần nào thấy được sự quyết tâm chiến thắng đói nghèo của chị.

Cán bộ Hội LHPN các cấp huyện Ea Súp tìm hiểu cách ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng rau xanh của chị Thân Thị Hạnh ở thôn 3.

Là xã vùng biên, được thiên nhiên ưu đãi các điều kiện thuận lợi để phát triển cây lúa nước, những năm qua, Hội LHPN xã Ea Bung đã tích cực phối hợp với các cấp, ngành, đoàn thể hỗ trợ, tiếp sức cho chị em vươn lên.

Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Bung Lê Thị Thúy Phượng cho biết, bên cạnh nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 6 tỷ đồng do Hội LHPN xã tín chấp, quản lý, các chi hội đã thành lập hơn 20 tổ tiết kiệm vay vốn với tổng nguồn quỹ trên 400 triệu đồng cho chị em vay xoay vòng; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Nhờ vậy, chị em đã chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển mô hình trồng lúa nước, lúa thảo dược, rau an toàn, đầu tư máy móc làm dịch vụ xay xát, đem lại thu nhập cao hơn trước.

Chị Thân Thị Hạnh ở thôn 3 phát triển mô hình trồng rau xanh đem lại thu nhập ổn định.

Hội LHPN huyện Ea Súp hiện có 11 cơ sở hội với trên 10.300 hội viên, trong đó hội viên dân tộc thiểu số chiếm 35,5%. Để giúp phụ nữ phát triển kinh tế, các cấp hội trên địa bàn huyện đã trợ lực cho hội viên bằng nhiều hình thức.

Trong năm 2022, các cơ sở hội đã tham gia vận động thành lập và ra mắt 3 hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp; tín chấp và quản lý trên 114 tỷ đồng vốn vay tín dụng ưu đãi cho 2.829 hộ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, vận động phụ nữ tham gia học nghề; hỗ trợ các mô hình sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại các xã: Ea Bung, Ia Lốp, Ia R'vê, Ea Rốk, Ya Tờ Mốt và thị trấn Ea Súp. Bên cạnh đó, để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, các cấp hội đã khảo sát và hỗ trợ, hướng dẫn hội viên tiếp cận nguồn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền hơn 2,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, các cấp hội còn vận động nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà Mái ấm biên cương, công trình vệ sinh, trao tặng bồn nước, dụng cụ sinh hoạt gia đình cho hội viên khó khăn và tặng học bổng, máy tính cho học sinh nghèo, nhận đỡ đầu trẻ mồ côi... Qua đó, các cấp hội đã giúp 32 hộ phụ nữ thoát nghèo và 32 hộ thoát cận nghèo.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.