Multimedia Đọc Báo in

Học sinh bỏ học - nỗi lo chưa dứt (Kỳ 3)

08:16, 23/03/2023

Kỳ 3: Cần sự vào cuộc của cả “ba nhà”

Không quản nắng mưa, đường sá cách trở, các thầy cô đã lặn lội đến từng gia đình để vận động học trò trở lại lớp học. Thế nhưng không phải trường hợp nào cũng vận động thành công, do đó đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả gia đình – nhà trường và chính quyền thì mới phần nào có thể ngăn dòng bỏ học.

Nâng cao trách nhiệm của gia đình

Đời sống phát triển, việc chăm lo điều kiện học hành cho trẻ em càng được quan tâm hơn, tạo nền tảng cho việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong quá trình giáo dục, rèn luyện học sinh. Thế nhưng, thực tế vẫn còn tình trạng nhiều phụ huynh phó mặc việc học của con em cho nhà trường. Đơn cử như trường hợp em T., học sinh lớp 7, Trường THCS Ea Yiêng (xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc), nhà chỉ cách trường khoảng 1 km, nhưng em nghỉ học không có lý do mà bố mẹ vẫn cứ tưởng con mình hằng ngày đi học bình thường, khi cô giáo tìm đến nhà thì mới vỡ lẽ. Điều đáng nói là khi giáo viên bàn bạc về giải pháp để T. đi học chuyên cần thì phía gia đình không tích cực hợp tác, chỉ dửng dưng trả lời là đã dặn con đi học nhưng con thích thì học, không thích thì cũng chịu chứ chẳng biết làm sao.

Giáo viên Trường THCS Hòa Phong và trưởng thôn Ea Khiêm (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) đến nhà động viên học sinh đi học chuyên cần.

Ông Vũ Văn Tuyên, Hiệu trưởng Trường THCS Ea Yiêng nhớ lại, cách đây hai năm, đang trong thời gian thi tốt nghiệp cuối cấp, một học sinh của trường (lớp 9) ngày thi đầu tiên vẫn đến trường làm bài bình thường nhưng sang ngày thi hôm sau lại vắng. Giáo viên chủ nhiệm liên lạc với gia đình nhưng bố mẹ em cũng không biết con mình đi đâu. Sau khi tìm hiểu qua bạn cùng lớp mới biết em đang ở nhà người yêu tại xã Ea Uy (!), cách trường 3 km, giáo viên vội vàng tìm mọi cách liên lạc để đến xã Ea Uy chở học sinh trở lại trường cho kịp giờ thi.

Trên thực tế, sự việc phụ huynh không biết con mình bỏ học, không đến trường hay con đi đâu, làm gì không chỉ diễn ra ở Trường THCS xã Ea Yiêng mà là thực trạng chung của nhiều trường học trên địa bàn tỉnh; nhất là các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi, có những lúc giáo viên đến gặp được phụ huynh hoặc điện thoại cho phụ huynh nhưng không nhận được sự hợp tác; thậm chí, có phụ huynh còn dùng những lời lẽ khó chịu với giáo viên, không muốn thầy cô làm phiền, cho rằng để họ tự lo cho tương lai của con mình, nên nhiều trường hợp giáo viên bất lực, không thể nào vận động các em quay trở lại trường được.

Ông Mai Quốc Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (huyện Krông Pắc) tâm sự, trung bình mỗi năm số học sinh bỏ học của trường cũng vài chục em, nguyên nhân phần lớn không phải vì học yếu hay vì kinh tế quá khó khăn mà là do các em không xác định được mục tiêu, động lực để học tập. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh gần như không quan tâm đến việc học tập của các em khiến nhiều trường hợp giáo viên, nhà trường "lực bất tòng tâm" trong việc thuyết phục học sinh trở lại trường. Vì vậy, để góp phần hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, các bậc phụ huynh phải nâng cao trách nhiệm, vai trò của mình để cùng đồng hành với nhà trường trong quá trình dạy dỗ, học tập và trưởng thành của con em.

Chính quyền phải vào cuộc

Trước sự bất hợp tác của gia đình có con nghỉ học, chính quyền địa phương nơi học sinh thường trú đã vào cuộc cùng giáo viên đưa học sinh trở lại trường. Như ở xã Hòa Phong (huyện Krông Bông), trước thực trạng học sinh bậc THCS trên địa bàn xã bỏ học khá nhiều, chính quyền xã đã thành lập các tổ công tác đi vận động học sinh trở lại trường (gồm lãnh đạo UBND xã, lực lượng công an, tổ chức hội, đoàn thể và cán bộ thôn, buôn). Cùng công tác tuyên truyền, vận động, tổ công tác còn kịp thời hỗ trợ kinh phí cho những trường hợp học sinh nghỉ học do gia đình quá khó khăn để phần nào đỡ đần cuộc sống gia đình, giúp các em tự tin trở lại lớp học.

Một dãy phòng học mới đang được xây dựng tại thôn Ea Khiêm, xã Hòa Phong (huyện Krông Bông).
 

Trong quá trình đi vận động học sinh trở lại trường, các tổ công tác ngoài giải thích, tuyên truyền còn xử phạt những trường hợp học sinh nghỉ học lấy chồng khi chưa đủ tuổi kết hôn hay phối hợp lực lượng chức năng kịp thời xử lý các cơ sở nhận các em làm việc khi chưa đủ tuổi lao động để răn đe, làm gương cho những trường hợp khác, góp phần hạn chế được tình trạng học sinh bỏ học tại địa phương”.

 
Ông Thái Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong

Đơn cử như trường hợp em Đào Thanh Vân (lớp 7, Trường THCS Hòa Phong) sau khi nghỉ Tết Nguyên đán, em theo bạn bè trong thôn xuống TP. Hồ Chí Minh làm công nhân cho một xưởng may với mức lương 25 triệu đồng/năm (chỉ trả vào cuối năm) với công việc cắt chỉ, gấp áo quần. Dù thầy cô giáo nhiều lần đến nhà vận động, nhưng bố mẹ Vân vẫn quyết định cho con mình nghỉ học. Mãi đến khi tổ vận động của chính quyền xã tìm đến nhà gặp gỡ, giải thích tác hại của việc cho các em đi lao động khi chưa đủ tuổi; đồng thời gọi điện đến cơ sở thuê em làm việc ở TP. Hồ Chí Minh thì lúc đó bố mẹ em mới bảo con về đi học tiếp.

Hay như khi đến nhà em Y Rubi Bkrông (lớp 6) vận động, nghe gia đình chia sẻ lý do em bỏ học vì không có phương tiện đi lại, Đoàn đã hỗ trợ 500.000 đồng để sửa xe đạp cho em tiếp tục đi học. Với em Y Vương Niê (lớp 8) khi biết em bỏ học vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, Đoàn cũng đã hỗ trợ 500.000 đồng cho mẹ em (bị mù) để trang trải một phần chi phí sinh hoạt.

Theo ông Nguyễn Văn Nhân, Hiệu trưởng Trường THCS Hòa Phong, khi học sinh có dấu hiệu bỏ học, giáo viên chủ nhiệm sẽ tìm đến gia đình để vận động học sinh. Nếu không khả thi thì Ban vận động nhà trường sẽ vào cuộc; không được nữa thì nhà trường sẽ báo cáo với Đảng ủy, chính quyền địa phương và Phòng GD-ĐT huyện đề nghị can thiệp. Cũng nhờ sự phối hợp giữa nhà trường và chính quyền xã, đã có nhiều học sinh bỏ học quay trở lại trường. Cụ thể, trong năm học 2022 - 2023, đến thời điểm này đã có 6/18 học sinh trở lại trường học.

Có thể thấy, với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, công tác vận động học sinh quay trở lại trường đã mang lại những tín hiệu tích cực; đồng thời khẳng định vai trò của chính quyền trong việc ngăn dòng bỏ học là rất lớn. Thế nhưng không phải cán bộ, lãnh đạo địa phương nào cũng quan tâm đến vấn đề này; thậm chí có nơi, có lãnh đạo địa phương vẫn để xảy ra tình trạng học sinh đang học lớp 8, lớp 9 bỏ học để đi làm ăn xa. Chính vì thế, để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng rất cần sự phối hợp, vào cuộc của cả gia đình - nhà trường và xã hội.

(Còn nữa)

Kỳ cuối: Tiếp sức em đến trường

Thúy Hồng - Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.