Multimedia Đọc Báo in

Lan tỏa tinh thần vì cộng đồng

08:20, 14/03/2023

Trên địa bàn tỉnh hiện có 8 câu lạc bộ (CLB) vận động hiến máu và hiến máu dự bị được thành lập ở các trường học, đơn vị, tổ chức đoàn thể. Tình nguyện viên trong các CLB này vừa là lực lượng nòng cốt tham gia vận động hiến máu tình nguyện, vừa sẵn sàng hiến máu đột xuất cứu người bệnh trong tình huống khẩn cấp.

Đến nay, CLB Hiến máu nhân đạo Trường Đại học Tây Nguyên đã bước sang năm hoạt động thứ 13, với 35 thành viên chính thức là sinh viên của trường. Anh Đoàn Xuân Viên, Chủ nhiệm CLB cho biết, với 3 đợt hiến máu thường niên được tổ chức tại Trường Đại học Tây Nguyên, CLB đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sinh viên của trường bằng nhiều hình thức như: phát tờ rơi, đăng bài tuyên truyền vận động trên các trang mạng xã hội, treo băng rôn, tổ chức các chương trình sinh hoạt trong sinh viên lồng ghép tuyên truyền, giới thiệu, vận động hiến máu... Nhờ đó, trung bình mỗi năm CLB vận động hiến được từ 1.000 - 1.500 đơn vị máu.

Sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên tham gia hiến máu tình nguyện.

Bên cạnh đó, CLB còn xây dựng “Ngân hàng máu sống”, huy động thành viên CLB cũng như điều phối tình nguyện viên sẵn sàng hiến máu trong các trường hợp cấp cứu khẩn cấp. Đặc biệt, trong thời gian dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, các hoạt động hiến máu tập trung bị hoãn, “Ngân hàng máu sống” của CLB đã hoạt động hết công suất để điều phối máu kịp thời cho bệnh nhân tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Nhờ cách thức hoạt động hiệu quả, nhiều năm qua, tập thể CLB Hiến máu nhân đạo Trường Đại học Tây Nguyên và nhiều cá nhân trong CLB đã được Hội Chữ thập đỏ tỉnh khen thưởng về thành tích trong công tác vận động hiến máu tình nguyện.

CLB Hành trình đỏ Đắk Lắk với 50 tình nguyện viên nhiều năm qua đã làm tốt sứ mệnh của mình với các hoạt động cụ thể: vận động, tuyên truyền, kêu gọi người dân tham gia hiến máu; đẩy mạnh tuyên truyền, chia sẻ kiến thức cho mọi người về bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia); tích cực hỗ trợ y, bác sĩ trong các chương trình hiến máu và hoạt động của Hội Chữ thập đỏ trên địa bàn tỉnh. Theo anh Hoàng Minh Trung, Chủ nhiệm CLB, thông qua những hoạt động của CLB vừa là cách để các thành viên cống hiến cho xã hội, vừa là một trong những kênh lan tỏa đến các bạn trẻ, thúc đẩy phong trào hiến máu tình nguyện. Đặc biệt, trong CLB có 3 thành viên mang trong mình căn bệnh tan máu bẩm sinh (ở thể nhẹ), thấu hiểu được tầm quan trọng của những giọt máu hồng đối với người bệnh, khi sức khỏe ổn định, các bạn đã tích cực tình nguyện tham gia các hoạt động của CLB. Bản thân anh Trung, Chủ nhiệm CLB cũng đã có trên 40 lần hiến máu tình nguyện.

Đông đảo người dân huyện Ea Kar tham gia đăng ký hiến máu tình nguyện tại chương trình "Chủ nhật Đỏ" năm 2023.
 

Đắk Lắk là một trong 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về phong trào hiến máu tình nguyện. Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh tổ chức trên 80 đợt hiến máu tình nguyện, thu về từ 20.000 – 22.000 đơn vị máu; trong đó, có nhiều chương trình hiến máu nổi bật như: "Chủ nhật đỏ", "Hành trình đỏ", ngày hội  "Giọt hồng Tây Nguyên"...

 
 

Nhằm giúp những người bệnh có nhóm máu hiếm không may gặp rủi ro có cơ hội được cứu chữa kịp thời, tháng 10/2022, CLB Nhóm máu hiếm Rh- tỉnh Đắk Lắk đã được thành lập. CLB hiện có 50 thành viên, khi các bệnh viện có nhu cầu về nguồn máu hiếm, CLB vận động và cử thành viên tham gia hiến máu. Ngoài ra, các thành viên CLB còn tích cực tham gia hiến máu tại các đợt phát động ở đơn vị, địa phương để tạo nguồn máu dự bị. Anh Nguyễn Quang Tuấn, Chủ nhiệm CLB chia sẻ, việc tập hợp thành viên mang nhóm máu hiếm trên địa bàn tỉnh thành lập CLB giúp xây dựng lực lượng hiến máu dự bị, tạo nguồn người có nhóm máu hiếm tham gia hiến máu tình nguyện an toàn, ổn định; đồng thời có thể dễ dàng kết nối tìm kiếm các nhóm máu hiếm trong trường hợp cần kíp. Nhờ có sự kết nối, vào tháng 1/2023, thành viên CLB đã hiến máu kịp thời cho một bệnh nhân cũng chính là thành viên trong CLB.

Có thể thấy, công tác vận động, kết nối đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển phong trào hiến máu tình nguyện. Mỗi giọt máu các tình nguyện viên trao đi đã đem lại niềm tin, thắp lên hy vọng sống cho bệnh nhân khi gặp nguy cấp, lan tỏa những giá trị nhân văn ấm áp tình người.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.