Multimedia Đọc Báo in

Khơi nguồn cho phụ nữ khởi nghiệp

06:55, 24/04/2023

Nhằm tạo cơ hội tốt nhất cho hội viên phụ nữ vươn lên, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn huyện Krông Ana đã tích cực hỗ trợ hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế.

Hỗ trợ sinh kế

Chồng qua đời sớm, các con trưởng thành lập gia đình riêng nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, bà Nguyễn Thị Quý (thôn Tân Tiến, xã Ea Na) dù tuổi đã cao vẫn một mình bươn chải kiếm tiền trang trải cuộc sống. Năm 2020, được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã cho vay vốn, bà Quý mua dê về nuôi. Sau 2 năm chăm sóc, nhận thấy mô hình nuôi dê cho nguồn thu ổn định, bà Quý mong có thêm vốn để mở rộng mô hình.

Nắm bắt được nhu cầu của hội viên, mới đây, Hội LHPN huyện đã trao 10 triệu đồng vốn khởi nghiệp để giúp bà Quý có thêm nguồn lực phát triển kinh tế gia đình. Bà Quý chia sẻ: “Từ ngày được chị em trong Hội LHPN xã chỉ cho cách nuôi dê, tôi đã tận dụng diện tích vườn nhà để trồng cỏ và sửa sang lại chuồng trại. Nhận được sự quan tâm của chị em trong Hội, tôi cảm thấy thật sự may mắn. Đây cũng là động lực để tôi vươn lên thoát nghèo”.

Mô hình chăn nuôi dê của gia đình bà Nguyễn Thị Quý.

Gia đình chị Lã Thị Thu Nguyệt (buôn Kla, xã Dray Sáp) sinh được ba người con, nhưng không may người con lớn lại bị suy thận, bao nhiêu của cải đều dồn vào việc chạy chữa cho con nên kinh tế dần cạn kiệt. Dù có diện tích đất trống trong vườn nhà và có ý tưởng để khởi nghiệp, nhưng do không có đủ vốn để đầu tư vào chăn nuôi nên vợ chồng chị Nguyệt vẫn luôn trăn trở tìm hướng để phát triển kinh tế. Sau khi khảo sát, Hội LHPN huyện đã hỗ trợ gia đình chị Nguyệt 10 triệu đồng từ nguồn vốn khởi nghiệp. “Có nguồn vốn vay này gia đình tôi như gặp được phao cứu sinh. Với 3 con dê giống ban đầu, hy vọng thời gian tới gia đình tôi có thể nhân rộng đàn, có thêm nguồn thu nhập ổn định để chữa bệnh cho con cũng như cải thiện cuộc sống”, chị Nguyệt tâm sự.

Sẵn sàng tiếp sức

 

Giai đoạn 2017 - 2022, Hội LHPN huyện Krông Ana đã phối hợp với các ban, ngành tổ chức 24 lớp tập huấn triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” cho trên 1.200 cán bộ Hội cơ sở, hội viên nòng cốt và hội viên có ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.

Song song với hỗ trợ phụ nữ khó khăn, các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh luôn được Hội LHPN huyện Krông Ana quan tâm thực hiện và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Các cấp Hội thường xuyên bám sát địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, nhất là hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang có ý tưởng khởi nghiệp. Tính riêng trong năm 2022, toàn huyện đã trao vốn khởi nghiệp cho 27 mô hình của hội viên với tổng số tiền 258 triệu đồng. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ các cấp trong huyện tiếp tục làm tốt công tác ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội và quản lý các nguồn vốn vay, giúp chị em mở rộng vốn sản xuất, phát triển kinh tế. Tính đến cuối năm 2022, tổng dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện do các cấp Hội quản lý là trên 117,7 tỷ đồng.

Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Krông Ana tham quan mô hình khởi nghiệp của hội viên phụ nữ xã Ea Na.

Cùng với việc dẫn vốn đến tận tay, các cấp Hội luôn tạo điều kiện cho chị em tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, phương pháp quản lý nguồn vốn... Nhờ vậy, nhiều chị đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đầu tư chuyển đổi hình thức sản xuất, kinh doanh; chú trọng các mô hình có giá trị kinh tế cao theo hướng trang trại và phát triển các ngành nghề truyền thống, từng bước cải thiện và nâng cao cuộc sống, góp phần tích cực trong thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Có thể khẳng định, thông qua hoạt động vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, Hội Phụ nữ các cấp trên địa bàn huyện đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho chị em. Bà Lê Thị Thanh Hảo, Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Ana cho hay, thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ sẽ tiếp tục chủ động, sáng tạo, đổi mới trong cách làm, tiếp tục tăng cường khai thác các nguồn vốn, chú trọng hướng dẫn sử dụng vốn ưu đãi chặt chẽ và có hiệu quả, kết hợp cho vay vốn với dạy nghề, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn kinh nghiệm làm ăn, bồi dưỡng kiến thức quản lý kinh tế hộ, tăng cường đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.