Multimedia Đọc Báo in

Phòng ngừa và kiểm soát bệnh béo phì ngay từ tuổi học đường

07:58, 08/05/2023

Béo phì là nguyên nhân và là nguy cơ gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như tiểu đường type 2, bệnh tim mạch, xương khớp, tăng huyết áp…

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân, được nhận định bằng chỉ số khối cơ thể BMI (Body Mass Index), được tính bằng cân nặng (kg) chia cho bình phương của chiều cao (mét). Ở người bình thường, chỉ số BMI trong khoảng từ 18,5 - 24,9; khi chỉ số BMI từ 25 - 29,9 là thừa cân, tiền béo phì; khi BMI 30 - 34,9 là béo phì độ 1, từ 35 - 39,9 béo phì độ 2 và BMI 40 trở lên là béo phì độ 3.

Theo số liệu của WHO, trên toàn cầu hiện có hơn 1 tỷ người mắc bệnh béo phì. Ở Việt Nam những năm gần đây, khi điều kiện kinh tế và chất lượng cuộc sống ngày càng phát triển, tình trạng người mắc bệnh béo phì cũng đang ngày một gia tăng ở mọi lứa tuổi, đặc biệt độ tuổi mắc bệnh béo phì ngày càng trẻ hóa.

Một bữa ăn bán trú của học sinh Trường Tiểu học, THCS, THPT Victory.

Các nguyên nhân của tình trạng thừa cân béo phì gồm: mất cân bằng dinh dưỡng, ăn nhiều đồ ăn nhanh, chế biến sẵn, thức ăn có hàm lượng năng lượng cao; phụ nữ sau sinh không nuôi con bằng sữa mẹ, không có kế hoạch giảm cân; lười vận động, ít vận động kết hợp với ăn uống dư calories làm tăng nguy cơ béo phì; tuổi càng cao thì quá trình trao đổi chất kém hiệu quả, dễ tích tụ mỡ; di truyền, gia đình có bố mẹ béo phì thì khả năng con béo phì cao. Trong tất cả các nguyên nhân trên thì nguyên nhân chính dẫn đến thừa cân béo phì vẫn là tình trạng mất cân bằng giữa năng lượng nạp vào và năng lương tiêu hao.

Béo phì không chỉ là tăng cân đơn thuần, nó là yếu tố nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh lý khác (đái tháo đường, các bệnh tim mạch, bệnh hệ tiêu hóa, gây biến chứng ở phổi, bệnh xương khớp, tăng nguy cơ ung thư…) mà nếu không được phát hiện và điều trị có thể đe dọa cuộc sống và tính mạng của người bệnh.

Đặc biệt, trẻ em bị thừa cân có nguy cơ béo phì, tử vong sớm và tàn tật cao hơn khi trưởng thành. Ngoài ra, trẻ béo phì có thể bị khó thở, tăng nguy cơ gãy xương, tăng huyết áp, bệnh tim mạch sớm, kháng insulin và ảnh hưởng tâm lý. Theo báo cáo thống kê y tế trường học của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, năm 2022 toàn tỉnh phát hiện 10.685 học sinh thừa cân, béo phì, tăng lên 1.847 em so với năm 2021.

Nhằm hạn chế tình trạng thừa cân béo phì tuổi học đường, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động y tế trường học, đặc biệt là hướng dẫn, hỗ trợ nhân viên y tế trường học phối hợp với y tế cơ sở thực hiện công tác chuyên môn như: Kiểm tra sức khỏe học sinh đầu năm học, theo dõi tăng trưởng, phát triển của học sinh, phát hiện các nguy cơ sức khỏe và bệnh tật của học sinh; khám và điều trị theo các chuyên khoa cho học sinh, tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý; kiểm tra, giám sát điều kiện vệ sinh trường học, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Đồng thời, triển khai các chương trình y tế và vệ sinh phòng bệnh, hỗ trợ giáo dục thay đổi hành vi, lối sống, đặc biệt là chú trọng các hoạt động ngoài giờ lên lớp, thể dục thể thao, văn nghệ, tạo các sân chơi bổ ích giúp học sinh phát triển thể lực, sức khỏe.

Bác sĩ Vi Thị Huệ, Phụ trách khoa Dinh dưỡng - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Việc tăng cường công tác truyền thông về dinh dưỡng hợp lý góp phần phòng ngừa bệnh béo phì là việc làm thường xuyên của y tế cơ sở và y tế trường học. Công tác theo dõi chiều cao cân nặng, tuyên truyền khuyến khích thực hiện cân bằng dinh dưỡng, kết hợp vận động thể lực, uống đủ nước và cần bổ sung probiotic là rất quan trọng góp phần hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì cho mọi người, đặc biệt là các cháu ở độ tuổi học sinh.

Trần Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.