Multimedia Đọc Báo in

Cuộc hội ngộ của những đồng đội

07:51, 25/02/2024

Tháng 2/1974, có gần 100 người lính tuổi vừa mười tám đôi mươi thuộc tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) vào Nam chiến đấu, họ được biên chế về những đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk (Tỉnh đội Đắk Lắk) đóng quân tại H9 (Krông Bông).

Tuy khác đơn vị, nhưng những ngày tháng chiến đấu trên cùng trận tuyến họ luôn dõi theo tin tức của nhau. Sau khi thống nhất đất nước, mỗi người một hoàn cảnh, người thì phục viên về quê học tập, lao động, người thì tiếp tục cuộc đời binh nghiệp và cũng có người mãi mãi nằm lại trên các nẻo chiến trường…

Ông Hoàng Văn Bôn (bên trái) và ông Đỗ Xuân Tính (bên phải) trước ngày vào Nam chiến đấu.

Đầu xuân Giáp Thìn 2024, Thượng tá Hoàng Văn Bôn (70 tuổi), nguyên Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự TP. Buôn Ma Thuột trở lại chiến trường xưa tại thôn 10, xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) – từng là nơi đóng quân của Đại đội 314 và Thông tin Tỉnh đội Đắk Lắk. Tại đây, ông đã có cuộc hội ngộ đầy cảm xúc với người đồng đội, đồng hương cũng đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” Đỗ Xuân Tính, nguyên là Đại úy trợ lý thông tin Tỉnh đội Đắk Lắk, hiện là Bí thư Chi bộ thôn 10, xã Hòa Lễ.

Sau cái ôm, tay bắt, mặt mừng, hai ông cùng nhau ôn lại chuyện đời, chuyện lính… Những câu chuyện chiến đấu được họ kể lại như những thước phim lịch sử chầm chậm quay về trong ký ức. Trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân 1975, ông Hoàng Văn Bôn thuộc khẩu đội DKZ trực tiếp tham gia giải phóng quận Lạc Thiện (nay là huyện Lắk), còn ông Đỗ Xuân Tính lúc đó là Tiểu đội phó thuộc Đại đội thông tin phục vụ chiến đấu ở Buôn Hồ.

Khi xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam, cả ông Bôn và ông Tính đều tham gia quân tình nguyện Việt Nam giúp nước bạn Campuchia thoát họa diệt chủng. Ông Tính kể, cuối tháng 12/1978, lúc đó ông là Chuẩn úy trợ lý thông tin Tỉnh đội được tăng cường mở đường liên lạc với bộ đội Tiểu đoàn Đặc công 198 đang làm nhiệm vụ tại tỉnh Mondulkiri (Campuchia) trước đó bị mất mật mã, không liên lạc được. Là người am hiểu địa hình trên bản đồ, ông Tính đã trực tiếp cầm bản đồ dẫn đường cho đơn vị, tuy đoạn đường chỉ khoảng 7 km đường rừng, nhưng để dò tín hiệu và tránh bom mìn do địch cài đặt, đơn vị ông phải đi mất 7 giờ mới đến nơi. Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bắt được liên lạc với đơn vị bộ đội đặc công, các đơn vị hiệp đồng tác chiến chặt chẽ và giúp nước bạn giải phóng tỉnh Mondulkiri…

Ông Hoàng Văn Bôn (bên trái) và ông Đỗ Xuân Tính hội ngộ sau 50 năm.

Còn ông Hoàng Văn Bôn thời gian này được chuyển sang Sư 307 trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia từ năm 1979 đến năm 1986, trong một lần chiến đấu với địch, ông bị thương với tỷ lệ thương tật 21%...

Gần 100 người cùng quê Hà Tây vào Nam chiến đấu năm xưa, nhưng sau ngày thống nhất đất nước, chỉ có 14 người ở lại sinh sống làm việc tại tỉnh Đắk Lắk, trừ số người đã hy sinh, số còn lại phục viên về quê hoặc sinh sống ở nơi khác. Để chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, năm 1990, ông Tính đã chủ động liên lạc thành lập Hội đồng ngũ, Câu lạc bộ Cựu chiến binh Hà Tây. Kể từ đó đến nay, Hội đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa như: vận động hiến đất, đóng góp ngày công, vật chất để làm nhà tặng đồng đội khó khăn; đóng góp quỹ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, giúp đỡ những đồng đội khó khăn phát triển kinh tế...

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.