Multimedia Đọc Báo in

“Đời” suối trong lòng phố

14:23, 27/10/2024

Buôn Ma Thuột là một trong số ít đô thị có những dòng suối len lỏi trong nội thành. Đây là “đặc ân” của thiên nhiên ban tặng cho phố núi. Bao đời nay, những dòng suối đã góp phần kiến tạo không gian xanh mát cho thành phố cà phê.

Làng rau bên suối

Tách biệt với sự ồn ào của đô thị, làng rau suối Đốc Học nằm nép mình sau phố, dưới những triền dốc, những con đường nhỏ men theo đường Lê Hồng Phong, Lương Thế Vinh hay Hồ Tùng Mậu đi vào.

Tuy hơi khó tìm đối với người phương xa, nhưng trong miền ký ức của nhiều cư dân Ban Mê định cư trước giải phóng, nơi đây là một “Đà Lạt thu nhỏ”, một không gian xanh đầy bình yên và thơ mộng của phố núi.

Làng rau suối Đốc Học.

Theo lời kể của những vị cao niên ở đây, khoảng từ năm 1955 - 1957, một số cư dân từ các tỉnh phía Bắc di cư vào Buôn Ma Thuột, họ đã chọn thung lũng suối Ea Drung làm nơi sinh sống và phát triển sinh kế bằng nghề trồng rau.

Vùng đất này nằm sau lưng Trường Sabatier (hiện nay là khu vực Trường Tiểu học, THCS, THPT Victory) là khu đất của ông đốc học người Pháp tên là Sabatier cấp cho các học sinh nội trú của trường trồng rau xanh. Vì vậy mà lâu dần, dòng suối chảy qua đây cũng được người dân gọi là suối Đốc Học.

Năm 1957, hồi đó mới là cô bé lên 10 tuổi, bà Nguyễn Thị Tỵ (nay đã gần 80 tuổi, trú tổ dân phố 5, phường Tân Tiến) từ tỉnh Nam Định đã cùng gia đình vào khu vực suối Đốc Học định cư. Bà Tỵ kể: Nơi đây là một vùng trũng của thành phố, có dòng suối nhỏ chạy qua và khoảng 6 - 7 bến nước do chính quyền Pháp lắp đặt (từ mạch nước ngầm) cho người dân lấy nước sinh hoạt, sản xuất. Dọc con suối có những cây cổ thụ và nhiều thú rừng. Người dân ở đây tận dụng nguồn nước này để trồng rau, từ một vài hộ ban đầu dần thành làng rau trù phú, nơi cung cấp rau xanh cho cả Buôn Ma Thuột.

Người dân ở làng rau khởi đầu ngày mới lúc 3 – 4 giờ sáng để chuẩn bị các loại rau mang ra chợ bán. Sau chuyến chợ, họ lại quay về vườn chăm chút từng luống rau, tất bật luôn tay cả ngày cho đến khi mặt trời tắt. Mặc dù diện tích không lớn, mỗi hộ có từ 500 – 800 m2, nhưng loại rau nào cũng có, từ các loại rau thơm, rau ăn lá đến củ quả như su hào, cà chua, mướp… nên người dân sản xuất gối vụ quanh năm. Không chỉ vậy, vào dịp Tết Nguyên đán, nhiều hộ còn trồng các loại hoa cúc để bán cũng góp phần tạo thêm màu sắc rực rỡ cho làng rau.

Đến nay, làng rau suối Đốc Học cũng có tuổi đời gần 70 năm, nơi nuôi nấng bao thể hệ trưởng thành. Bà Tỵ cũng lớn lên nhờ vườn rau của gia đình và cũng chính vườn rau chưa đầy 800 m2 giúp bà nuôi 10 người con khôn lớn.

Đừng quay lưng vào suối

Đô thị Buôn Ma Thuột được thiên nhiên ban tặng nhiều dòng suối, trong đó những suối lớn là Ea Nao, Ea Tam, Ea Siêr, Ea Nuôl và suối Đốc Học.

Các suối này thuộc thượng nguồn lưu vực sông Sêrêpốk, đa phần chảy theo hướng Tây Nam, rồi hòa vào dòng sông Sêrêpốk “chảy ngược” ở khu vực xã Hòa Phú.

Đồng bào trước đây cũng quần tụ, lập buôn gần các dòng suối, nơi có nguồn nước mát lành. Nơi những con suối này đi qua đều mang lại nguồn sống cho cư dân, từ cung cấp nước sinh hoạt, nước tưới cho cây trồng, hình thành các cánh đồng lúa màu mỡ, đến mang lại nguồn thủy sản phong phú…

Đầu nguồn của suối Ea Nuôl là buôn Akô Dhông trù phú, giàu bản sắc, là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách khi đến với phố núi. Phía trên suối Ea Nao là Kô Tam với những vườn cà phê cho chất lượng thượng hạng, hay những khu rừng tự nhiên rợp bóng chở che cho bà con các buôn thuộc xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột).

Nghề trồng rau ở làng rau suối Đốc Học được nhiều thế hệ nối nghiệp.

Nhiều người yêu Buôn Ma Thuột là bởi… suối. Tuy nhiên, hiểu về giá trị to lớn của suối hơn ai hết là những cư dân bản địa lâu năm, các nhà kiến trúc, quy hoạch, nhà văn hóa. Vì càng hiểu, họ lại càng thấy tiếc nuối, xót xa khi chứng kiến những dòng suối đang “thoi thóp” từng ngày. Đây chính là hệ quả cách xây dựng, sinh sống theo kiểu quay lưng vào suối. Suối ở sau lưng nên có xấu, có bẩn, cũng chẳng sao, mọi thứ không cần thiết đều được vô tư quẳng xuống suối. Cũng vì thế, suối trở nên khó tiếp cận với những nhà chức trách, công tác quản lý, kiểm tra hiện trạng trở nên khó khăn.

Tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh đã khiến một số dòng suối ở đây gần như biến mất dưới tầng lớp bêtông, nhiều người phải đỏ mắt đi tìm suối như tìm lại ký ức đẹp thưở nào. Quả đáng buồn khi thấy suối Đốc Học (phường Tân Tiến), suối Xanh (phường Tân Lợi) nay đoạn còn, đoạn mất. Ngay cả suối lớn Ea Tam, rất nhiều đoạn lòng suối bị thu hẹp còn khoảng từ 1 - 2 m, có đoạn chỉ còn vòm cống thải nước đen đục ngầu.

Còn suối Ea Nuôl chảy ven phía Bắc thành phố, cắt ngang qua đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phạm Ngũ Lão (qua địa bàn phường Tân Lợi, Thành Công, Thành Nhất và xã Cư Êbur) và một nhánh nhỏ là suối Ea Ngay (suối Bà Hoàng) chảy sát dưới đường Nguyễn Thị Minh Khai, hiện nhiều đoạn dần bị thu hẹp chỉ còn là lạch nước nhỏ. Chưa kể tình trạng xả nước, rác thải trái phép vào các dòng suối vẫn còn diễn ra phức tạp cũng gây ô nhiễm môi trường sống của cộng đồng dân cư, gây mất mỹ quan đô thị…

Cũng vì quá trình đô thị hóa mà nhiều khu vực, tuyến phố ở Buôn Ma Thuột cứ mưa to là ngập. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là nhiều đoạn suối bị bồi lấp, rác thải ùn ứ. Tuy nhiên, ở góc nhìn của các nhà chuyên môn, hệ thống thoát nước của thành phố tuy khá tốt, nhưng lại chưa khai thác tối đa ưu thế từ các dòng suối có vai trò như những trục tiêu nước chính của thành phố. Do đó, về lâu dài, thành phố phải dựa vào suối như là xương sống, tạo điểm nhấn trong quy hoạch, kiến trúc, xây dựng.

TP. Buôn Ma Thuột đang hướng tới một đô thị hiện đại, sinh thái, bản sắc. Một trong những giải pháp cho mục tiêu này là bảo vệ, chỉnh trang lại suối Ea Tam cũng như các dòng suối khác, xây dựng hạ tầng chung quanh suối và phát triển dịch vụ, du lịch. Cùng với đó, các khu dân cư sẽ được tổ chức phát triển theo hướng quay mặt về suối. Điều này sẽ tạo không gian mới, hình thành các khu đô thị, khu trung tâm dịch vụ thương mại dọc suối trong lòng đô thị, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thành phố, phục vụ sinh hoạt văn hóa, đời sống tinh thần của người dân. Khi đó, những dòng suối sẽ là những mảng xanh bền vững, là không gian kết nối cộng động, không gian phát triển.

TP. Buôn Ma Thuột đang xúc tiến triển khai dự án phát triển đô thị khu vực phía Đông và dọc hành lang suối Ea Nao - Ea Tam với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 8.036 tỷ đồng. Dự án này có hai tiểu dự án: Cải tạo hạ tầng kỹ thuật hành lang suối Ea Nao - Ea Tam và xây dựng đường vành đai phía Đông.

Minh Thuận - Minh Thông
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.