Những mối tình "đẹp hơn nước mắt"
Chúng tôi tìm về xã Đăk Ui, tỉnh Quảng Ngãi (trước đây thuộc xã Đăk Ngọc, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum cũ), nơi lập nghiệp của 18 cặp vợ chồng Kinh – Giẻ Triêng, Xê Đăng, nguyên là lính các đơn vị 304, 408 từng một thời “vào sinh ra tử”.
Những phận đời éo le
Nhớ lại hơn 20 năm trước, vùng đất này chỉ với những nếp nhà tồi tàn như những chiếc nấm bám dọc bên hồ, cảnh sắc nên thơ đấy mà vẫn có cái gì đìu hiu, quạnh quẽ… Những cảnh đời đã gặp ngày ấy vẫn cứ đọng lại một cảm xúc day dứt mơ hồ trong tôi.
Khi mới gặp cựu chiến binh Phan Văn Nhung, tôi đã có ấn tượng đấy là một con người phóng khoáng pha chút lãng tử. Thuộc lứa đi B đầu tiên, ông Nhung khá rành phong tục, tập quán đồng bào bản địa. Ông kể rằng mình có thể cùng uống rượu thâu đêm, bốc thức ăn trong máng mà chẳng chút nề hà. Chàng trung úy trẻ ngày ấy không ngờ cái “khác người” của mình đã lọt vào mắt cô văn công Y Nhàn. Hai người nên duyên năm 1971, ngay giữa những ngày ác liệt của chiến tranh…
Sau ngày giải phóng, ông Nhung đưa vợ về quê trên chiếc Honda 67. Cứ tưởng vậy thì ai cũng “lác mắt”, nào ngờ chẳng biết từ đâu cái tin “thằng Nhung lấy vợ người rừng có đuôi” đã bắn về trước. Vậy là vừa đến cổng làng, một đoàn người đã rồng rắn bám theo. Phan Văn Nhung luống cuống đâm cả xe vào gốc cây bên đường... Đến khi vỡ lẽ, ông chủ nhiệm hợp tác xã còn bảo: Cô ấy đẹp và hát hay thế, ở lại dạy mẫu giáo cho xã thì tuyệt vời!
![]() |
Ông Phạm Công Lực (thứ hai từ trái sang) và các cựu chiến binh. |
Vợ chồng ông Nhung quyết định trở lại Đăk Ngọc. Nhưng cuộc sống thiếu thốn, khổ cực trăm bề đã khiến Y Nhàn mất lúc vừa mới sinh đứa con thứ 4. Ông Nhung thân gà trống nuôi con với ba đứa trẻ lít nhít, một đứa còn đỏ hỏn. Thấy ông quá cơ cực, bà cô bên vợ bảo: “Có con Y Gheo là em họ đấy. Nếu mày đồng ý, nó sẽ thay chị chăm sóc các cháu…”. Ông Nhung cảm động đến trào nước mắt. Y Gheo đã “nối dây” với ông mà không câu nệ thủ tục cưới xin. Cứ ngỡ cuộc sống từ đây rồi sẽ sáng lên, nào ngờ sinh được đứa con đầu lòng thì Y Gheo lại mắc bệnh phù thận. Hai nỗi đau liên tục giáng xuống số phận khiến ông Nhung đau đớn tưởng có lúc phát cuồng. Để khuây khỏa nỗi buồn, ông đã tìm đến rượu. Và rồi một kết cục buồn đã đến: Trong một lần đánh cá, ông ngã xuống hồ và ra đi vĩnh viễn với cơn say…
Ở một góc độ nào đó, cựu chiến binh Đinh Công Tới tình duyên còn éo le đến mức oái oăm… Khi vào Tây Nguyên chiến đấu, ông đã có vợ ở quê. Là vệ binh, ông Tới có nhiệm vụ bảo vệ các chỉ huy, trong đó có Thượng úy Y My. Thấy tình cảm khác thường của hai người, lính ta lúc đầu chỉ ghép đôi cho vui, nào ngờ “lính yêu thủ trưởng” lại hóa thật. Chuyện nếu chỉ dừng lại ở đó âu cũng là lẽ thường trong hoàn cảnh bấy giờ. Nhưng rồi tiếp nữa, một “thủ trưởng” cũng phải lòng ông – đó là Y Liu. Y Liu từng học Trường Sĩ quan Lục quân 1 rồi trở về quê chiến đấu… Sau giải phóng, hai người phụ nữ cùng theo ông về thôn 7, xã Đăk Ngọc lập nghiệp. “Bà cả” ngoài Bắc tìm vào khuyên về quê nhưng ông đã quyết định ở lại… Bao năm rồi, hai người đàn bà vẫn chung một mái nhà hòa thuận. Tình duyên của ông khiến tôi liên tưởng đến phép lạ trong câu chuyện cổ tích “ba ông đầu rau”…
Cũng đã bao năm rồi tình cảnh cựu chiến binh Lưu Công Huyề vẫn chưa vơi trong tôi niềm xúc cảm. Trong căn nhà tranh nhỏ nực nội thiếu ánh sáng, cảm giác như thân thể ông được nặn từ sáp ra…
Đã 15 năm rồi Lưu Công Huyề mắc một căn bệnh lạ: Thoạt đầu hai chân teo tóp lại rồi liệt hẳn; khắp người thì lổn nhổn những u. Chúng lớn dần rồi vỡ, chảy ra một thứ nước nhờn như kem. Ông biết mình bị di chứng chất độc da cam, nhưng biết vậy mà không có tiền đi viện, đành nằm một chỗ chịu chết mòn. Chúng tôi rưng rưng khi nghe ông kể chuyện bà Y Xuân… Y Xuân là người Giẻ Triêng, nguyên là lính nuôi quân. Họ nên duyên trong chiến tranh và sau gần 30 năm chung sống đã có với nhau 8 mặt con. Sức lực người đàn bà bệnh binh, quần quật với ruộng vườn để nuôi được ngần ấy đứa con, lại thêm người chồng bệnh tật thật quá sức tưởng tượng. Thế nhưng chưa bao giờ ai thấy bà hé môi phàn nàn. Tôi trở về Gia Lai chưa viết được dòng nào về Lưu Công Huyề thì bỗng nhận được một bức thư báo ông đã mất.
Vượt lên số phận
Đã qua tuổi thất thập nhưng ông Phạm Công Lực vẫn còn cái chất hóm, vui nhộn của lính. Bấy nhiêu năm rồi ông vẫn nhớ đến tôi. Ông cho tôi hay, 18 cặp vợ chồng tạo nên thôn 7 ở xã Đăk Ngọc dạo ấy thì 5 “cặp” đã ra đi; 7 “cặp” còn vợ hoặc chồng. Ông Lực là một trong 6 “cặp” may mắn còn nguyên đôi…
“Về đất này lập nghiệp, gia tài của mỗi người là hai bộ quần áo, chăn màn vừa vặn trong một chiếc balo. Ai có dư thì đó là những đứa con sinh ra ở trong rừng” – ông Lực cười hóm hỉnh khi nhớ về chuyện cũ… Cứ chỗ nào nổi mồi giun thì cắm đất, dựng căn lều tạm rồi quày quả gieo trỉa để có cái ăn. Khó khăn, thiếu thốn đã đành nhưng day dứt nhất là chưa thể về thăm quê nhà sau bao năm xa cách.
“Giải phóng đã mấy năm mà vợ chồng tôi vẫn chưa thể về ra mắt họ hàng. Lần khần mãi rồi cuối cùng cũng quyết định phải đi. Cái khó bây giờ là phải có quà gì cho mấy cô em gái. Thôi thì một liều ba bảy cũng liều, tôi bèn mua cho mỗi cô một chiếc… nhẫn vàng giả. Có ai nghĩ ông anh mình bao nhiêu năm ở miền Nam ra mà tặng em vàng giả! Các cô ai cũng cất giữ cẩn thận. Mãi tới mấy năm sau tôi mới viết thư về thú thật và xin các em tha lỗi… Gian khổ, thiếu thốn vô chừng như thế lại thêm sự dị nghị của người đời. Cái thời ấy thật lạ. Chẳng riêng gì ông Nhung đâu, hầu như tất cả chúng tôi đều bị coi là những cặp vợ chồng có cái gì đó… khác đời”, ông Lực kể.
![]() |
Cuộc sống người dân thôn 7, xã Đăk Ngọc (nay thuộc xã Đăk Ui, tỉnh Quảng Ngãi) đã khác xưa. |
Nhưng cuộc sống dù có nặng nề, u tối đến đâu rồi cũng đến lúc phải sáng lên… Năm 1995, Xí nghiệp kinh tế Đảng Kon Tum vào giúp người dân triển khai trồng cà phê. Và bốn năm sau thì đời sống kinh tế bắt đầu đi lên. Các gia đình từ đó có điều kiện đầu tư việc học hành cho con cái… Những gia cảnh éo le đi vào phim ngày ấy - ông Lực bấm ngón tay rành rọt: “Ông Phan Văn Nhung có một con là sĩ quan quân đội, 3 cháu công chức. Ông Lưu Công Huyề có một cháu giáo viên, các cháu khác tuy ở nhà làm cà phê nhưng đều có đời sống khá. Ông Đinh Công Tới cũng vậy. Những gia cảnh được coi là éo le ngày ấy còn thế, các gia đình khác thì như ông bà Trần Xuân Lành – Y Xả có tới 10 đứa con mà đứa nào cũng là bác sĩ, sĩ quan, công chức…”.
Nắng buông tới đỉnh đầu nhưng ông Lực, ông Lành vẫn hăng hái dẫn tôi đi thăm vườn cà phê của “thế hệ con cháu” cho biết… Ông Lực nói rằng, từ cái nôi thôn 7, thôn 8 bây giờ đã nảy nở thành 202 hộ với 9 thành phần dân tộc “từ địa đầu đất nước đến mũi Cà Mau”. Điều ông nói khiến tôi liên tưởng câu ca “Thuận vợ thuận chồng… thuận làng thuận nước”. Vận vào mảnh đất này mà chợt giật mình cái chân lý muôn đời của nó…
Tiếp nối những vườn cà phê sum suê là lòng hồ Đăk Uy long lanh dưới nắng như một viên ngọc xanh khổng lồ. Công trình thủy lợi lớn này đã được những người lính Đoàn 331 tạo dựng nên từ những ngày mảnh đất này mới im tiếng súng. Họ đặt tên cho nó là “Đập Mùa Xuân”. Cái tên lãng mạn mà thật đầy dự cảm!
Ngọc Tấn
Ý kiến bạn đọc