Multimedia Đọc Báo in

Chủ động khám, điều trị sớm các triệu chứng hậu COVID-19

11:15, 21/05/2022

Sau khi điều trị khỏi COVID-19, nhiều người rơi vào trạng thái ăn không ngon miệng, mất ngủ, lo âu, ho nhiều, khó thở, tức ngực, hụt hơi, sụt cân, suy dinh dưỡng, teo cơ… Đây là những triệu chứng thường gặp hậu COVID-19. Nếu không được điều trị kịp thời, hậu COVID-19 sẽ càng kéo dài và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Cách đây hai tháng, anh Trần Trường Viên (42 tuổi, ở Đắk Nông) mắc COVID-19 và được điều trị tại nhà. Sau khi khỏi bệnh, anh Viên thường xuyên bị mất ngủ, ăn uống ít và đặc biệt sụt đến 10 kg. Lo lắng về tình trạng hậu COVID-19, anh Viên đã được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để khám, điều trị bệnh.

Trường hợp khác là bà Nguyễn Thị Thọa (80 tuổi, ở xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) được con gái đưa đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên khám, điều trị hậu COVID-19. Trong thời gian mắc COVID-19, bà Thọa có ho nhẹ, sức khỏe bình thường. Song, từ sau khi khỏi bệnh, sức khỏe bà Thọa có phần yếu hẳn, hay bị choáng và đi tiểu rất nhiều lần trong ngày.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hậu COVID-19 là tình trạng người bệnh sau khi khỏi COVID-19 vẫn bị ảnh hưởng lâu dài, có những biểu hiện ở mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng. Phần lớn bệnh nhân có biểu hiện hậu COVID-19 chủ yếu là di chứng về hô hấp, tiêu hóa hoặc xuất hiện các ban nổi trên da. Theo ước tính có khoảng 10 - 20% số bệnh nhân COVID-19 trải qua các triệu chứng kéo dài trong nhiều tháng sau khi mắc bệnh.

Hiện mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận khám, tư vấn sức khỏe và điều trị trung bình từ 50 - 70 bệnh nhân có các triệu chứng hậu COVID-19; số bệnh nhân này ở nhiều độ tuổi, trong đó thanh niên và người lớn tuổi chiếm phần đông.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tiên, Trưởng Khoa khám (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết, tình trạng hậu COVID-19 có thể xảy ra ngay sau điều trị khỏi COVID-19 với các triệu chứng thông thường, như: rối loạn giấc ngủ, lo âu, cảm giác tức ngực, hồi hộp, ho kéo dài, tê bì chân tay, mệt mỏi đau đầu, khó thở, đặc biệt là khó thở khi vận động gắng sức, giảm khả năng nhận thức và tập trung… Ngoài ra, những trường hợp bị COVID-19 phải điều trị dài ngày, sau khi khỏi bệnh sẽ để lại những di chứng như: teo cơ, suy dinh dưỡng, vận động khó khăn…

Tất cả những tình trạng này có thể khiến sức khỏe người bệnh bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại học tập, làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội. Vì vậy, các hội chứng sau mắc COVID-19 cũng là một trong những vấn đề cần được quan tâm đúng mức.

Một trường hợp hậu COVID-19 được thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Quang Nhật

Mặc dù không phải bệnh nhân nào mắc COVID-19 cũng có triệu chứng, di chứng hậu COVID-19, song qua số liệu thống kê cũng như số bệnh nhân điều trị thực tế tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, những bệnh nhân mắc COVID-19 từng điều trị nội trú có tỷ lệ hậu COVID-19 cao hơn so với điều trị ngoại trú. Điều trị ngoại trú khoảng 30 - 35%, còn nội trú là 80%.

 

Người bệnh cần theo dõi, nhận diện tình trạng sức khỏe của chính mình, tránh tình trạng hoặc là quá lo lắng, xuất hiện triệu chứng gì cũng cho là hậu COVID-19 rồi đi mua thuốc, đi khám khắp nơi, tốn kém không cần thiết; hoặc là coi thường các triệu chứng, sẽ bỏ qua cơ hội đi khám, phát hiện điều trị sớm các bệnh lý khác.

Hiện nay, nhiều người vẫn còn thói quen tự ý mua thuốc điều trị khi có các dấu hiệu mệt mỏi. Việc làm này vô tình khiến tình trạng càng nặng hơn hoặc có thể xảy ra tình trạng uống thuốc không đúng bệnh, kháng thuốc… Hoặc lại có nhiều trường hợp chủ quan, không đến cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe khi có các triệu chứng hậu COVID-19. Điều này cũng sẽ vô cùng nguy hiểm bởi có thể làm cho triệu chứng nặng hơn, nhất là ở những người có bệnh nền, bệnh mạn tính, như: tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản…

Các bác sĩ khuyến cáo, khi có các vấn đề về sức khỏe, người bệnh phải đến cơ sở y tế để kiểm tra, tầm soát. Nhất là các bệnh nhân bị COVID-19 nặng, sau khi ra viện, căn cứ vào tình trạng bệnh nhân như: Bệnh nhân phải dùng thuốc chống đông, bệnh nhân có bệnh lý nền… thì nên quay trở lại bệnh viện tái khám càng sớm càng tốt trong vòng một tuần đầu ra viện để có xét nghiệm, tiên lượng cho bệnh nhân, có can thiệp hỗ trợ cho bệnh nhân khi cần thiết.

Theo đó, qua thăm khám, các bác sĩ sẽ giải thích và tư vấn cho bệnh nhân; nếu cần thiết, bệnh nhân sẽ được nhập viện điều trị. Với những bệnh nhân không cần nhập viện, bác sĩ sẽ tư vấn để người bệnh tự theo dõi sức khỏe tại nhà. Cụ thể, với bệnh nhân khó thở, cần hỗ trợ hô hấp sẽ được hướng dẫn cụ thể về các biện pháp tập thở, tập thể dục, chế độ ăn uống sinh hoạt phù hợp.

Đặc biệt, bác sĩ cũng tư vấn liệu pháp tâm lý cho người bệnh, đây là yếu tố cực kỳ quan trọng với bệnh nhân sau mắc COVID-19. Tuyệt đối không mua và sử dụng các loại thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên mạng để tự điều trị vừa tốn kém mà có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.