Bệnh tay chân miệng gia tăng, những lưu ý khi chăm sóc trẻ
Thời gian gần đây, bệnh tay chân miệng (TCM) đang có xu hướng gia tăng trên địa bàn tỉnh với hơn 700 ca mắc tại 15 huyện, thị xã, thành phố; tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, một số địa phương có số bệnh nhân mắc TCM cao như TP. Buôn Ma Thuột, TX. Buôn Hồ, các huyện Buôn Đôn, Cư M’gar, Krông Pắc…
Tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, những ngày gần đây số lượng bệnh nhi mắc TCM nhập viện điều trị gia tăng nhanh, trong đó có rất nhiều trường hợp trẻ ở tình trạng nặng, sốc. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), thời điểm này là một trong những đợt cao điểm của bệnh TCM do học sinh trở lại trường học làm gia tăng tiếp xúc giữa các trẻ với nhau. Trẻ mắc bệnh TCM thường có các triệu chứng như nốt hồng ban bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, trong miệng (gây vết loét miệng), đầu gối, mông kèm theo triệu chứng sốt nhẹ, nôn ói và tiêu chảy... Đến nay, bệnh TCM vẫn chưa có thuốc đặc hiệu điều trị và chưa có vắc xin phòng bệnh. Khi trẻ mắc bệnh, chủ yếu được điều trị triệu chứng như: hạ sốt, giảm đau do các vết loét gây nên và các biến chứng nếu có. Bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày, tuy nhiên, nếu nguyên nhân gây bệnh là do vi rút Entero 71, thì có thể dẫn đến tử vong do biến chứng viêm não màng não, viêm cơ tim, phù phổi… khi không được phát hiện và xử trí kịp thời.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi mắc tay chân miệng đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Quang Nhật |
Mặc dù TCM không phải là một bệnh mới nhưng hiện nay vẫn còn nhiều quan niệm sai lầm trong cách chăm sóc trẻ khiến bệnh trở nặng. Nhiều phụ huynh khi thấy con mắc bệnh, nổi bọng nước thì hạn chế tắm rửa, cho trẻ mặc đồ quá kín hoặc tự ý bôi các loại thuốc lên da, các nốt ban khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Những việc làm trên có thể khiến trẻ bị nhiễm trùng da hoặc làm che lấp đi các dấu hiệu chuyển nặng của bệnh, khiến các bác sĩ rất khó chẩn đoán hay theo dõi diễn tiến bệnh. “Phụ huynh nên cho trẻ tắm rửa sạch sẽ, mặc thoáng mát, đảm bảo cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng, không kiêng khem quá mức. Không tự ý sử dụng các loại thuốc bôi ngoài da và thuốc uống cho trẻ khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ. Nhiều trẻ mắc bệnh TCM trở nặng rất nhanh, nếu thấy trẻ sốt cao liên tục, giật mình, chới với, nôn ói, có các dấu hiệu thần kinh bất thường cần ngay lập tức đưa trẻ tới bệnh viện để điều trị kịp thời”, bác sĩ Minh lưu ý.
Theo khuyến cáo của ngành y tế, để chủ động phòng, chống bệnh TCM, giảm đến mức thấp nhất số trường hợp mắc, tử vong, không để dịch bùng phát, người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp như: Rửa tay với xà phòng thường xuyên cho cả trẻ em và người lớn, đặc biệt trước khi người lớn tiếp xúc, chăm sóc trẻ. Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, tay nắm cửa, mặt bàn, ghế, sàn nhà… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Phụ huynh có con mắc TCM nên cho trẻ nghỉ học ít nhất 10 ngày để ngăn ngừa lây bệnh cho trẻ khác.
Phương Nhiên
Ý kiến bạn đọc