Multimedia Đọc Báo in

Tiêm vắc xin định kỳ để phòng bệnh cúm

16:34, 18/02/2023

Cúm là một bệnh về đường hô hấp rất dễ lây lan do vi rút cúm gây ra, được chia thành 3 type A, B và C.

Những loại chính này được chia nhỏ thành nhiều chủng phụ. Triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, gồm: sốt, ho, hắt xì, đau đầu, mệt mỏi...

Cúm thường diễn biến trong 2 – 7 ngày nhưng ở những người suy giảm miễn dịch, người có bệnh nền về tim, phổi, thận, thiếu máu hoặc bệnh chuyển hóa…, bệnh cúm diễn biến nặng dễ biến chứng viêm não, suy hô hấp dẫn đến tử vong. Ở một số ít trường hợp người trẻ tuổi, vi rút cúm cũng có thể tấn công vào tim gây viêm cơ tim cấp, rối loạn nhịp tim, suy tim.

Cần tiêm vắc xin cúm theo định kỳ hằng năm để phòng bệnh. Ảnh: Đình Thi

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 800.000 người mắc cúm – một trong các bệnh hô hấp có thể bùng phát thành dịch. Riêng tại tỉnh Đắk Lắk, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, năm 2022 trên địa bàn tỉnh có 6.578 trường hợp mắc bệnh cúm; đến đầu tháng 2/2023 có gần 200 trường hợp mắc cúm. Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc CDC Đắk Lắk cho biết: Tiêm chủng là phương pháp hiệu quả nhất để phòng ngừa cúm và những biến chứng của cúm, đặc biệt ở trẻ em và phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, vi rút cúm luôn biến đổi và đáp ứng miễn dịch của cơ thể sau tiêm phòng cúm giảm dần theo thời gian, do đó, vắc xin cúm cần được cập nhật và nên tiêm phòng hằng năm. “Do loại vắc xin này cần tiêm hằng năm nên không ít người lo lắng về độ an toàn cũng như những tác dụng phụ của vắc xin. Tuy nhiên, có thể khẳng định phòng bệnh cúm an toàn và hiệu quả. Các loại vắc xin phòng cúm mùa đều là loại bất hoạt, nghĩa là vi rút cúm được tiêu diệt bằng nhiệt, hóa chất, tia xạ… sau đó tách ra lấy một phần nhỏ chứa kháng nguyên dùng làm nguyên liệu sản xuất vắc xin. Phương thức sản xuất này mang lại hiệu quả phòng bệnh cao và rất an toàn”, bác sĩ Phúc chia sẻ.

 

Vắc xin cúm được chỉ định tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi đến người già. Việc tiêm ngừa cúm đặc biệt cần thiết cho các đối tượng nguy cơ cao dễ bị biến chứng nặng khi mắc bệnh cúm như trẻ em, phụ nữ mang thai, người lớn tuổi (trên 65 tuổi) và người mắc bệnh mạn tính (tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, xơ gan, ung thư, các tình trạng suy giảm miễn dịch...). Trong đó, phụ nữ mang thai là đối tượng dễ mắc cúm và nguy cơ trở nặng, biến chứng nguy hiểm bởi khi mang thai cơ thể phụ nữ rất nhạy cảm, sức đề kháng kém. Khi mắc cúm, đặc biệt là ở 3 tháng đầu thai kỳ, nguy cơ cao xảy ra các biến chứng như sảy thai, thai chết lưu, sinh non, dị tật thai nhi… Do đó, việc tiêm vắc xin cúm mang lại lợi ích gấp đôi khi có thể bảo vệ cho cả mẹ và thai nhi. Mặt khác, em bé sau sinh không thể chủng ngừa cúm cho đến khi được 6 tháng tuổi. Để đạt được hiệu quả tốt nhất, phụ nữ nên tiêm vắc xin cúm trước mang thai 1 tháng. Trường hợp đã mang thai nhưng vẫn chưa được tiêm phòng cúm, phụ nữ có thể tiêm vắc xin cúm từ 3 tháng giữa thai kỳ để có kháng thể phòng bệnh cho cả mẹ và bé.

​​​​​​​Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.