Multimedia Đọc Báo in

Trầm cảm ở tuổi vị thành niên: Không nên chủ quan

08:41, 08/10/2023

Sống khép mình, không muốn tiếp xúc hay trò chuyện với ai, học tập giảm sút, có những hành vi, ý tưởng tự sát hoặc tự hủy hoại bản thân… là các triệu chứng của bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm ở tuổi vị thành niên mà Bệnh viện Tâm thần tỉnh thường xuyên tiếp nhận điều trị trong thời gian qua. Trầm cảm ở tuổi vị thành niên nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe.

Trong một báo cáo điều tra sức khỏe tâm thần vị thành niên Việt Nam do Viện Xã hội thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam công bố ngày 18/11/2022, sau một năm tiến hành điều tra, kết quả cho thấy có 21,7% trẻ vị thành niên Việt Nam gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần; trong đó, trầm cảm là tình trạng phổ biến.

Vị thành niên là trẻ ở độ tuổi từ 10 - 18 tuổi. Nhiều trẻ vị thành niên có cảm giác buồn bã và mất hứng thú trong cuộc sống song triệu chứng này hay bị các bậc phụ huynh nhầm lẫn là sự thay đổi tâm sinh lý ở tuổi dậy thì, từ đó để con em mình trong tình trạng trầm cảm kéo dài, dẫn đến hành vi tự tử.

Hiện nay, trung bình một tháng Bệnh viện Tâm thần tỉnh tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 20 - 30 trường hợp trầm cảm ở tuổi vị thành niên. Em N.D.H. (15 tuổi, ở huyện Buôn Đôn) phát hiện bị trầm cảm từ năm học lớp 7. Nguyên nhân mắc bệnh được H. chia sẻ là do bố mẹ hay cãi nhau và bố thường xuyên bạo hành mẹ, từ đó H. cảm thấy chán nản, ghét con trai. H. bắt đầu lên mạng xã hội làm quen và yêu một bạn đồng giới lớn hơn vài tuổi. Cứ mỗi buổi tối, chờ ba mẹ đi ngủ và người yêu đồng giới học xong, cả hai thường xuyên trò chuyện đến tận 2 - 3 giờ sáng và uống rượu online để giải sầu. Dần dần, bố mẹ nhận ra H. thay đổi tính cách, ngày càng ít nói, sống thu mình lại, không chịu tiếp xúc hay tâm sự, trò chuyện cùng gia đình cũng như bạn bè, không còn hoạt bát, năng động như trước. H. được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh, nhờ sự phối hợp rất tốt từ gia đình nên hiện tình trạng bệnh của H. đã được cải thiện đáng kể.

Trường hợp khác là em N.B.A. (15 tuổi, ở huyện Cư M’gar) mắc bệnh trầm cảm từ năm 2021. Bình thường A. rất hoạt bát, thích chơi đá bóng, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường, của lớp. Tuy nhiên, từ năm 2021, A. bắt đầu có các dấu hiệu lầm lì, không nói chuyện, không muốn tiếp xúc với mọi người, học tập giảm sút. Khi phát hiện những biểu hiện này, bố mẹ A. đều cho rằng con đang ở độ tuổi dậy thì nên tính cách thay đổi. Sau một năm, A. có dấu hiệu nặng hơn, có biểu hiện bỏ bê bản thân ngay cả việc vệ sinh cá nhân nên gia đình mới đưa em đi khám thì phát hiện con mắc bệnh trầm cảm.

Bệnh nhân tuổi vị thành niên mắc bệnh trầm cảm đang được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Đắk Lắk. Ảnh: Quang Nhật

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bé, Trưởng khoa điều trị nam, Bệnh viện Tâm thần tỉnh, những năm gần đây, bệnh viện đã tiếp nhận những trường hợp trẻ vị thành niên mắc bệnh trầm cảm có dấu hiệu tự sát, tự lấy dao rạch cổ tay, cắt mạch máu hay tìm hiểu trên mạng những cách tự tử để thực hiện. Rất may, những trường hợp đó đều được phát hiện kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, đây là một thực trạng đáng báo động mà các bậc phụ huynh không thể chủ quan, cần phải chú ý và quan tâm đến con mình nhiều hơn.

Bác sĩ Bé cho biết, phụ huynh hoàn toàn có thể nhận diện các hành động khác lạ của con như: thay đổi cách ăn uống, rối loạn giấc ngủ, trốn tránh bạn bè hoặc gia đình, bỏ những thói quen thường nhật, có hành vi bạo lực, đập phá, đánh nhau, không kiềm chế được cảm xúc, hành vi, cẩu thả trong cách ăn mặc, thay đổi cá tính một cách bất ngờ, thường xuyên chán nản, mất hứng thú về những thú vui cá nhân… Cũng có những trường hợp bị trầm cảm nhưng triệu chứng bị ẩn, khó nhận ra, thay vào đó, người bệnh sẽ có xu hướng chống đối, không chịu lắng nghe và tiếp nhận các ý kiến từ mọi người. Người bệnh phản kháng lại những hành động mà cha mẹ đề cập đến, luôn có cảm giác đề phòng và muốn xa lánh với tất cả mọi người.

Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh trầm cảm ở tuổi vị thành niên như: trong gia đình có người bị trầm cảm, áp lực quá lớn trong học tập, bạo lực học đường, lạm dụng tình dục, bạo lực gia đình, gia đình tan vỡ, mất đi người thân, mâu thuẫn bạn bè không được giải quyết, bất đồng quan điểm hoặc thiếu sự quan tâm với trẻ… Một số nguyên nhân khác có thể khiến trẻ vị thành niên trầm cảm là chấn thương, tai nạn hoặc bệnh tật.

Để phòng tránh căn bệnh này, cha mẹ cần thường xuyên quan tâm, chia sẻ, làm bạn với con. Không nên đưa ra những nhận xét tiêu cực về những quan điểm hay vấn đề của trẻ, không nên quát mắng, xúc phạm khi trẻ có lỗi mà cần phân tích, giảng giải cho trẻ hiểu; không nên đặt ra quá nhiều kỳ vọng cũng như gây áp lực cho trẻ về thành tích học tập. Trẻ thường che giấu những vấn đề khiến chúng bị tổn thương, do vậy cha mẹ cần quan sát kỹ những biểu hiện bất thường của con để kịp thời tháo gỡ, giúp trẻ mở lòng và tự tin hơn trong cuộc sống.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.