Hợp tác, tạo đòn bẩy phát triển y tế toàn diện
Nhằm xây dựng mô hình hợp tác bền vững, mới đây, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk và Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã thống nhất triển khai các hoạt động hỗ trợ cho tỉnh Đắk Lắk trên nhiều lĩnh vực về y tế trong hai năm 2024 - 2025.
Đây được xem là đòn bẩy nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh, giảm sự quá tải cho các cơ sở khám chữa bệnh tại TP. Hồ Chí Minh.
Phát triển mạng lưới y tế chuyên sâu
Ngành y tế tỉnh Đắk Lắk hiện có 31 cơ quan, đơn vị trực thuộc với hơn 6.500 nhân lực. Trong năm 2023, đã thực hiện khám cho hơn 3,3 triệu lượt bệnh nhân (tăng 15,8%) và điều trị nội trú cho hơn 330.000 lượt bệnh nhân (tăng 10,74% so với năm 2022).
Những năm qua, công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân đã được chú trọng và có nhiều bước tiến, tuy vậy, ngành y tế vẫn đang đối diện nhiều khó khăn, thách thức: việc cung ứng thuốc, vật tư, hóa chất phục vụ người bệnh còn nhiều khó khăn; nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là tình trạng thiếu bác sĩ có trình độ chuyên môn cao và chuyên khoa…
Từ đó, đặt ra mục tiêu trọng tâm của ngành trong thời gian tới phải phát triển hệ thống y tế chất lượng, hiệu quả, bền vững, kiểm soát tốt dịch bệnh; tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tất cả các tuyến; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách; giải quyết hiệu quả tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, vật tư, thiết bị, sinh phẩm y tế…
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan (thứ ba từ trái sang) kiểm tra việc ứng dụng các phần mềm quản lý y tế tại tỉnh Đắk Lắk. |
Theo Giám đốc Sở Y tế Nay Phi La, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, trong Chương trình hợp tác giữa Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh và Sở Y tế Đắk Lắk, tỉnh Đắk Lắk mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh trên bốn lĩnh vực.
“Sự hợp tác hỗ trợ giữa hai tỉnh trong giai đoạn hiện nay là việc làm hết sức quan trọng, cần phát huy tinh thần “hợp tác để phát triển”; sự phát triển của hệ thống y tế tỉnh Đắk Lắk cũng đóng góp gián tiếp cho sự phát triển của hệ thống y tế TP. Hồ Chí Minh và cả nước” - PGS.TS, bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh. |
Đầu tiên phải kể đến việc đẩy mạnh hợp tác xây dựng và phát triển mạng lưới y tế chuyên sâu từ bệnh viện tuyến cuối đến tuyến y tế cơ sở, từ TP. Hồ Chí Minh đến tỉnh Đắk Lắk. Các nội dung hợp tác nhằm phát huy nguồn lực sẵn có của tỉnh Đắk Lắk, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế, xã hội nói chung và y tế nói riêng của tỉnh.
Trong đó tập trung hợp tác, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật giữa các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cho các bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế thuộc tỉnh Đắk Lắk nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân tại tỉnh Đắk Lắk với mục đích giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Đồng thời sẽ hợp tác xây dựng mạng lưới các chuyên khoa với quy mô của tỉnh Đắk Lắk, ưu tiên một số nội dung như: quản lý nhân sự, quản lý dược và dược lâm sàng, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, quản lý sử dụng trang thiết bị y tế, quản lý chất lượng phòng xét nghiệm, chuyên môn kỹ thuật thuộc các chuyên khoa ngoại tổng quát, phẫu thuật tim, can thiệp mạch, điều trị ung thư, phụ sản, nhi khoa, chẩn đoán hình ảnh…
Cùng với đó, sự hợp tác giữa hai đơn vị còn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch. Trong đó giai đoạn đầu ưu tiên tăng cường trao đổi thông tin về giám sát, cảnh báo dịch bệnh giữa Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk.
Hợp tác nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo
Một trong những lĩnh vực trọng tâm mà Sở Y tế Đắk Lắk chú trọng kết nối hợp tác đó là công tác nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.
Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk và Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh làm việc thống nhất triển khai các hoạt động hỗ trợ cho tỉnh Đắk Lắk trên nhiều lĩnh vực về y tế trong hai năm 2024 - 2025 |
Để Chương trình hỗ trợ đạt hiệu quả, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cũng đề xuất nhận được sự hỗ trợ từ 19 bệnh viện thuộc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, bao gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân Dân 115, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Nhiệt Đới TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện nhân dân Gia Định, Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đại học Y Dược cơ sở 3, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Huyết học - truyền máu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh. Về phía tỉnh Đắk Lắk, các đơn vị gồm Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột, Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ, Bệnh viện Đa khoa khu vực 333 cùng Trung tâm Y tế 15 huyện, thị xã, thành phố sẽ tham gia quá trình hợp tác hỗ trợ.
PGS.TS, bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk hết mình và đề nghị các đơn vị bệnh viện của TP. Hồ Chí Minh chủ động hỗ trợ các bệnh viện của tỉnh Đắk Lắk, thực hiện hiệu quả Chương trình hỗ trợ theo sự phân công. Trước mắt, Chương trình hỗ trợ sẽ được Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh thống nhất triển khai hỗ trợ các kỹ thuật mổ tim hở, mổ nội soi, can thiệp tim mạch, sản phụ khoa và ung bướu…
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc