Multimedia Đọc Báo in

Nhiều giải pháp giải quyết tình trạng thiếu nhân lực y tế

08:21, 26/03/2024

Trước tình trạng thiếu nhân lực y tế do viên chức bỏ việc, thôi việc, nhất là bác sĩ có chuyên môn sâu, ngành y tế tỉnh đang chú trọng việc đào tạo tại chỗ, chuyển giao chuyên môn kỹ thuật tại tuyến trên.

Theo đó, các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện tăng cường cử nhân lực y tế đến học tập, bồi dưỡng chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và các đơn vị tuyến tỉnh.

Cùng với đó, chú trọng cử cán bộ y tế luân phiên từ tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới (theo Đề án 1816 Bộ Y tế), chủ yếu tại tuyến y tế cơ sở; các trung tâm y tế tuyến huyện cũng cử bác sĩ tham gia khám chữa bệnh tại các trạm y tế còn thiếu bác sĩ.

Tính riêng năm 2023, ngành y tế tỉnh đã có 85 người được đào tạo, bồi dưỡng sau đại học; 207 người được đào tạo liên thông đại học.

Nhờ thực hiện chuyển giao kỹ thuật với tuyến trên, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã thực hiện được nhiều ca phẫu thuật với kỹ thuật cao. Ảnh: Đình Thi
 

Hệ thống y tế cơ sở toàn tỉnh hiện có 31 cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở Y tế, gồm 2 cơ quan hành chính, 5 bệnh viện tuyến tỉnh, 6 trung tâm tuyến tỉnh, 15 trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố, 184 trạm y tế xã, phường, thị trấn, với gần 6.700 cán bộ y tế; trong đó có gần 1.400 bác sĩ, hơn 500 dược sĩ, gần 2.000 điều dưỡng, gần 500 hộ sinh, 455 kỹ thuật viên y, 126 nhân viên y tế công cộng, hơn 600 y sĩ và gần 1.200 nhân viên khác.

Cùng với đó, Sở Y tế cũng triển khai tuyển dụng mới, kịp thời bổ sung nhân lực theo cơ cấu chức danh nghề nghiệp, phân bổ số lượng người làm việc phù hợp với vị trí việc làm; tăng cường đào tạo sau đại học; từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, kỹ năng thực hành theo vị trí việc làm phù hợp với quy hoạch, phát triển nguồn lực; từng bước triển khai thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành y tế, kết hợp đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh, nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ, tăng thêm nguồn thu nhập đối với viên chức, nhất là đối tượng bác sĩ có trình độ chuyên môn sâu.

Để thu hút nguồn nhân lực công tác tại các tuyến y tế cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, Sở Y tế cũng đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 12/2019/NQ-HĐND, ngày 6/12/2019 về việc quy định một số chế độ chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với viên chức công tác trong lĩnh vực y tế và nhân viên y tế thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Nhờ vậy, một số chế độ chính sách của viên chức ngành y tế đã được nâng lên, kịp thời động viên cán bộ y tế yên tâm công tác.

Đặc biệt, Sở Y tế còn phối hợp với các bệnh viện tuyến Trung ương hỗ trợ về đào tạo nhân lực, chuyển giao kỹ thuật.

Theo kế hoạch, trong năm 2024 và 2025, Sở Y tế sẽ cử các y, bác sĩ tham gia các khóa đào tạo tại TP. Hồ Chí Minh về lĩnh vực ngoại khoa tổng quát, phẫu thuật tim, can thiệp mạch, điều trị ung thư, phụ sản, nhi khoa, chẩn đoán hình ảnh… nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ y, bác sĩ tuyến tỉnh tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật điều trị từ các chuyên gia tuyến trên, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở y tế trên địa bàn.

Mai Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.