Hiệu quả từ khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền
Nhận thức được những lợi ích của y học cổ truyền mang lại, nhất là đối với những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính hoặc di chứng do tai biến, thời gian qua, cùng với y học hiện đại, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã nỗ lực triển khai hoạt động khám chữa bệnh y học cổ truyền và đã mang lại hiệu quả tích cực.
Theo bác sĩ Tạ Văn Nhạn, Trưởng Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, nếu như y học hiện đại có thể giúp chẩn đoán đúng bệnh và điều trị cấp tốc những trường hợp cấp cứu thì y học cổ truyền lại giúp những người mang di chứng có thể trở lại đời sống bình thường bằng các phương pháp như xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, di chứng liệt nửa người có thể dần phục hồi chức năng.
Bác sĩ Khoa Y học cổ truyền thăm khám, điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: Quang Nhật |
Hiện nay Khoa Y học cổ truyền (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) có 17 cán bộ, trong đó 6 bác sĩ, 1 cử nhân điều dưỡng, 8 y sĩ y học cổ truyền và các chức danh khác được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ. Khoa được đầu tư nhiều trang thiết bị chữa bệnh cần thiết, như: máy kéo giãn cột sống, máy sóng ngắn trị liệu, máy laser trị liệu, máy điện châm, đèn hồng ngoại và các dụng cụ hỗ trợ phục hồi chức năng khác…
Thời gian qua, nhờ áp dụng các kỹ thuật cấy chỉ vào huyệt, thủy châm, điện châm, kéo giãn cột sống, chiếu đèn hồng ngoại, máy siêu âm trị liệu, khoa đã điều trị thành công nhiều bệnh mạn tính như: đau lưng, đau thần kinh tọa, đau vai gáy, đau do thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm, di chứng sau tai biến mạch máu não, sụp mi, liệt nửa người, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, đau dây thần kinh số V, bí tiểu cơ năng, suy nhược thần kinh…
Hiện Khoa Y học cổ truyền có 20 giường bệnh, song vì nhu cầu tăng cao nên số giường thực kê là 41 giường. Bác sĩ Nhạn cho biết: Năm 2023, khoa tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 29.000 lượt bệnh nhân, trong đó: điều trị nội trú 11.871 lượt bệnh nhân, đạt 149,2%; điều trị ngoại trú và nội trú ban ngày 3.813 lượt, đạt 246,6%; điều trị thủ thuật (điện châm, thủy châm, cấy chỉ, xoa bóp bấm huyệt) 41.729 lượt, đạt 208,7%; công suất sử dụng giường bệnh đạt 162,6%. Trong 6 tháng đầu năm 2024, công suất sử dụng giường bệnh của khoa đạt 79%; số lượt khám chữa bệnh gần 20.000 lượt, đạt 69,5%.
Nhiều bệnh nhân mắc bệnh mạch máu não, tai biến đã được cải thiện sức khỏe nhờ chữa trị bằng các phương pháp y học cổ truyền. Ông N.T.H. (63 tuổi, ở xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) bị tai biến mạch máu não liệt một bên cơ thể, không thể đi lại được. Được điều trị phục hồi chức năng tại khoa bằng các kỹ thuật như xoa bóp, châm cứu, bấm huyệt, điện châm…, sức khỏe của ông H. đã dần hồi phục, có thể đi lại được. Hay ông Đ.V.C. (71 tuổi, ở xã Ea Phê, huyện Krông Pắc) bị thoái hóa cột sống từng điều trị nhiều nơi mà vẫn không đỡ; khi được điều trị tại khoa, ông cảm thấy đỡ hơn rất nhiều.
Không chỉ nâng cao chất lượng chuyên môn, Khoa Y học cổ truyền còn chú trọng đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Thông qua những buổi họp hội đồng người bệnh, hầu hết bệnh nhân đều hài lòng với thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ, nhiều người đã bày tỏ lòng biết ơn thông qua những lá thư cảm ơn gửi cho khoa sau khi điều trị khỏi bệnh.
Ngọc Lan - Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc