Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập ở một xã vùng sâu

08:20, 16/08/2021

Cư San (huyện M’Drắk) là xã vùng sâu, vùng xa, lại tiếp giáp với những địa bàn đang có dịch nên nguy cơ dịch bệnh luôn thường trực. Tuy nhiên, chính quyền và người dân địa phương đã có nhiều nỗ lực phòng chống, ngăn chăn dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn.

Ông Phạm Đăng Đảng, Chủ tịch UBND xã Cư San cho biết, ngay sau khi xuất hiện làn sóng dịch COVID-19 thứ tư ở các tỉnh, thành phố phía Nam, địa phương đã nhanh chóng triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh; rà soát, kiện toàn ban chỉ đạo; đề ra các phương án, kế hoạch phòng, chống dịch triển khai đến các thôn trên địa bàn.

Đặc biệt, từ khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại huyện Krông Bông tiếp giáp với xã, ngày 24-7 địa phương đã thành lập chốt chặn kiểm soát y tế phòng, chống dịch trên đường Đông Trường Sơn giáp ranh với xã Cư Drăm (huyện Krông Bông). Tổ này gồm 17 thành viên, gồm các lực lượng công an, quân sự, y tế, chia 3 ca trực 24/7 để ngăn người từ vùng dịch qua lại. Do thiếu lực lượng y tế nên huyện M’Drắk đã điều thêm 2 cán bộ y tế học đường tại xã Ea Trang và Ea M'đoal đến hỗ trợ.

Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt người dân qua chốt kiểm soát phòng, chống dịch trên đường Đông Trường Sơn (đoạn qua xã Cư San, huyện M'Drắk). Ảnh: Minh Chi

Đại úy Vũ Tiến Mạnh, Phó trưởng Công an xã Cư San cho biết, người dân địa phương và các xã cánh Đông huyện Krông Bông thường xuyên qua lại sản xuất, bắt ong, lấy măng rừng nên việc kiểm soát rất vất vả. Ngoài việc trực chốt, lực lượng làm nhiệm vụ còn thay nhau tuần tra trên 6 tuyến đường mòn, lối mở tại địa bàn để ngăn chặn người từ bên ngoài vào địa phương. Tất cả các trường hợp người dân từ xã Cư Drăm qua đều được yêu cầu quay lại .

Là xã đặc biệt khó khăn, đời sống người dân còn nhiều thiếu thốn, nhưng bà con nơi đây vẫn đồng lòng phòng chống dịch, góp từng mớ rau, ký cá để động viên anh em làm nhiệm vụ, góp phần đẩy lùi dịch COVID-19”. 

Chủ tịch UBND xã Cư San Phạm Đăng Đảng

 

Ngoài huyện Krông Bông, địa bàn khác giáp ranh với xã Cư San như xã Cư Yang (huyện Ea Kar) cũng đã có dịch nên nguy cơ xâm nhập vào địa phương càng cao. Do đó, chính quyền địa phương đã bố trí các vật cản tại những đường mòn mà người ngoài địa bàn hay qua lại. Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động người dân ở khu vực gần vùng dịch hạn chế tối đa việc đi ra ngoài địa phương; đồng thời, phối hợp với chính quyền xã bạn để hạn chế người ngoài đến địa bàn.

Bên cạnh kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ dịch xâm nhập từ bên ngoài vào, xã Cư San cũng tăng cường phòng, chống dịch trên địa bàn. Địa phương đã xây dựng trang Zalo để cập nhật về tình hình dịch bệnh COVID-19, sự chỉ đạo của các cấp , đồng thời là nơi để người dân phản ánh thông tin liên quan đến dịch bệnh. Chính quyền xã cũng đã thành lập các tổ phòng, chống dịch cộng đồng và tổ phản ứng nhanh tại 12 thôn để kiểm soát người từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam về địa phương. Những trường hợp về địa phương nhưng không khai báo y tế thì ban tự quản, các đoàn thể thôn đến yêu cầu thực hiện khai báo theo quy định.

Một người dân xã Cư San (huyện M'Drắk) tặng cá tươi cho những người làm nhiệm vụ phòng chống, dịch COVID-19. Ảnh: Minh Chi

Tính đến nay, trên địa bàn xã có 285 người từ ngoài tỉnh trở về, trong đó, xã đã ra quyết định cách ly y tế tại nhà 95 trường hợp về từ vùng dịch. Lực lượng chức năng địa phương phối hợp cùng các thôn thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm việc cách ly tại nhà. Do đa phần người dân là đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc vào, điều kiện nhà ở khó khăn nên lực lượng chức năng đã tuyên truyền vận động người từ vùng dịch trở về thực hiện cách ly tại nhà, chòi ở rẫy hoặc gia đình sắp xếp để nhường không gian riêng cho người cách ly.

Cùng với việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc xã Cư San đã vận động nhân dân ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, nâng cao ý thức trách nhiệm, chung tay cùng cơ quan chức năng và cộng đồng ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Với những giải pháp đồng bộ, nghiêm ngặt, đến nay tại xã Cư San chưa có trường hợp mắc COVID-19 hay F1 nào.

Minh Chi – Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.