Multimedia Đọc Báo in

Gọi tên anh, người lính biên phòng!

15:45, 23/03/2022

63 năm về trước (ngày 3/3/1959), Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) được thành lập. Khi Tổ quốc gọi tên, cán bộ, chiến sĩ lực lượng đã sớm có mặt ở các địa bàn vùng sâu, vùng biên giới, vượt nắng gió khắc nghiệt, giao thông trắc trở để dựng xây đồn, trạm, quyết tâm bảo vệ vững chắc biên cương trước kẻ thù xâm lược.

Khắc ghi lời thề sắc son với Tổ quốc, trên dọc dài biên giới của tỉnh, đã có không biết bao cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh sẵn sàng hy sinh xương máu của mình, nhất là trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Đại tá Lê Xuân Đáng, nguyên Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh từng chia sẻ rằng, sau này, khi có điều kiện tập hợp tên tuổi các chiến sĩ hy sinh mới thấy, họ đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ. Bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng, tên tuổi các anh đã hóa thành những tượng đài bất tử, hòa vào hồn thiêng của sông núi biên cương. Các Nhà bia ghi danh liệt sĩ ở khu vực Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê, Đồn Biên phòng Ea H’leo ngày nay như lời nhắc nhớ thế hệ muôn đời về chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc…

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh tuần tra bảo vệ biên giới.

Mang theo hành trang truyền thống anh hùng, bộ đội biên phòng hôm nay luôn khẳng định bản lĩnh của lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới.

Trong cái nắng, cái gió khắc nghiệt của biên thùy, người lính biên phòng chưa một phút lơ là nhiệm vụ. Từng bất ngờ khi chứng kiến những bước chân tuần tra xuyên rừng như thuộc nằm lòng đường về nhà, chúng tôi được một cán bộ tâm tình rằng, các anh cũng từng bị lạc giữa thâm u của rừng trong ngày đầu làm quen với biên giới. Vậy nhưng, bám đường biên mỗi ngày, mỗi năm, hàng chục năm đã rèn cho người lính kỹ năng cắt đường, mật phục, kiểm soát tốt tình hình, phát hiện những dấu hiệu vi phạm và xử lý kịp thời. Đặc biệt, suốt 3 năm trên tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19, nhờ triển khai hiệu quả việc mật phục, tuần tra, khép chặt đường biên mà Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk đã hoàn thành tốt “nhiệm vụ kép”, không để dịch bệnh lây lan qua biên giới.

Với người lính biên phòng, biên cương không chỉ là nơi đất ở, mà còn là quê hương ruột thịt. Bởi cuộc đời binh nghiệp gắn chặt với vùng đất thiêng này, nên các anh luôn trăn trở tìm cách hỗ trợ bà con vượt qua gian khó. Gần như đợt nào bão lụt ập về vùng biên, bộ đội đều có mặt từ đầu để sẻ chia, đưa bà con ra khỏi vùng nguy hiểm. Còn nhớ, bốn năm trước, căn nhà địa bàn của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê bị lốc xoáy thổi bung, vậy mà họ vẫn nhận thiệt thòi về mình, để dành thời gian, nhân lực ưu tiên trước hết và trên hết là giúp dân.

Cán bộ Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk hướng dẫn con nuôi của đồn học tập.

Người lính biên phòng ghi những dấu ấn thân thương, gần gũi trong lòng người dân từ những việc giản dị, chân thành mà họ đã dành nhiều ân tình cho dải đất nắng gió. Đó là Thượng tá Nguyễn Hữu Phúc, nguyên cán bộ tăng cường xã biên giới Ea Bung (huyện Ea Súp) – người đã nhiều năm đến từng nhà xin, mua xe đạp rồi âm thầm mang vào biên giới tặng hàng trăm chiếc cho học sinh nghèo. Đó là những cán bộ trẻ như các anh Y Hán Hwing (Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk), Hoàng Văn Thọ (Đồn Biên phòng Ia R’vê), Phùng Văn Hai (Đồn Biên phòng Ea H’leo)… luôn tận tụy, trách nhiệm với công việc tại địa bàn, có những hỗ trợ phù hợp, kịp thời để cùng nhân dân biên giới phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Đó còn là những chương trình “Con nuôi Đồn Biên phòng”, “Nâng bước em đến trường”, xóa lớp mù chữ, phân công đảng viên biên phòng phụ trách gia đình khu vực biên giới… để thêm nối dài nghĩa tình, trách nhiệm của người lính quân hàm xanh đối với khu vực biên giới.

Dẫu trong khói lửa chiến tranh hay công cuộc bảo vệ hòa bình, dựng xây đất nước, những người lính quân hàm xanh vẫn luôn vững chắc tay súng nơi địa đầu để giữ bình yên cho biên cương Tổ quốc!

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.