Multimedia Đọc Báo in

Vững vàng "phên giậu" Tổ quốc

08:12, 03/03/2023

Bằng niềm tự hào, tình yêu, trách nhiệm với biên cương, bộ đội biên phòng và các tầng lớp nhân dân đã sát cánh trong nhiều chương trình, hoạt động để cùng bảo vệ và giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.  

Quân - dân chung bước tuần tra

Sáng sớm một ngày cuối tháng 2, lãnh đạo xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) cùng các già làng, người trẻ trên địa bàn đã vượt quãng đường gần 50 km hướng về biên cương Tổ quốc. Trong nắng gió vùng biên, bà con nhân dân hào hứng cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk chung bước tuần tra biên giới. Hoạt động phối hợp này được tổ chức nhiều năm qua, định kỳ 3 tháng/lần nhằm huy động sức dân, nâng cao nhận thức của nhân dân trong bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ đất nước.

Cán bộ Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk giới thiệu cho nhân dân xã biên giới về cột mốc chủ quyền.

Như thường lệ trong mỗi chuyến đi, đội hình tuần tra gần 20 người đã tập trung dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại khu vực Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk; dọn dẹp vệ sinh, phát quang bụi rậm ở khu vực cột mốc và xuyên rừng làm nhiệm vụ tuần tra.

Binh nhất Chua Niê (Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk) cho biết, gia đình anh ở xã Krông Na, nơi đơn vị công tác đang đứng quân nên ở nhà hay ở đồn, với anh đều như một. Lớn lên trên dải đất thiêng nên từ nhỏ Chua Niê hiểu rằng, từng tấc đất vùng biên hôm nay đều thấm đẫm sự hy sinh, máu xương của các thế hệ cha ông đi trước. Bởi vậy, mỗi người phải thường trực trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ biên cương.

Trong đội hình tuần tra, ông Y Khái Niê (người có uy tín tại buôn Ea Mar, xã Krông Na) nổi bật với trang phục truyền thống của người M’nông. Ở độ tuổi 65, ông vẫn luôn là tấm gương sáng trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc. Suốt những năm làm buôn trưởng, trưởng ban công tác Mặt trận buôn, hay khi đã nghỉ công tác, ông Y Khái Niê vẫn không ngại nắng mưa, đến tận nhà tuyên truyền cho nhân dân ý thức về trách nhiệm giữ gìn an ninh trật tự biên giới, chăm lo lao động sản xuất để xây dựng biên cương no ấm. Giờ đây, khi con rể trở thành trưởng buôn Ea Mar, ông tiếp tục truyền lại kinh nghiệm để anh hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ để được dân tin, dân quý.

 

Bằng nhiều hình thức, những năm qua, địa phương thường xuyên phối hợp với bộ đội biên phòng trong tuyên truyền, vận động nhân dân xác định tốt trách nhiệm đối với chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Hiện tại, xã có 12 tập thể, 206 hộ gia đình, 290 cá nhân đăng ký tham gia thực hiện phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới”.

 
Phó Chủ tịch UBND xã Krông Na, huyện Buôn Đôn Lê Tiến Dũng

Theo Thiếu tá Phạm Văn Hiếu, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk, kể từ khi thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg, ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, công tác phối hợp bảo vệ biên giới giữa quần chúng nhân dân, các đơn vị, địa phương ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Đồng bào các dân tộc nơi đây đều nhận thức được rằng, bảo vệ an ninh Tổ quốc nói chung, bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn, buôn nói riêng là trách nhiệm, là nhiệm vụ chung của mọi người dân. Do đó, bà con đã tích cực phối hợp cùng bộ đội biên phòng thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ.

Chung sức bảo vệ biên cương

Đắk Lắk có gần 72 km đường biên, tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia. Chung sức bảo vệ biên cương, mỗi cá nhân, đơn vị đã chú trọng thực hiện nhiều việc làm, hành động ý nghĩa.

Chương trình “Tháng ba biên giới” được các tổ chức, cơ sở Đoàn trong tỉnh triển khai tại biên giới là một hoạt động giàu ý nghĩa như thế. Chị H’Hương Bkrông, Bí thư Thành Đoàn Buôn Ma Thuột, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam thành phố chia sẻ: Sau hai năm ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, năm nay, 43 cơ sở đoàn, 81 liên đội của thành phố hướng về biên cương với quy mô, hoạt động lớn hơn, sâu rộng hơn. Các đơn vị đã đến thăm tất cả các tuyến đồn biên phòng trên biên giới; tặng công trình thanh niên cho bộ đội, tặng học bổng cho trẻ em vùng biên khó khăn. Đặc biệt nhất, việc đưa các đội viên ưu tú lên cột mốc để tổ chức kết nạp Đoàn không chỉ nhân lên niềm vui, tự hào trong mỗi em, mà còn giúp thế hệ tương lai thấu hiểu thêm những vất vả, hy sinh của người lính nơi tuyến đầu, về tầm quan trọng của việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng Tổ quốc.

Quân - dân chung bước tuần tra biên giới.

Cũng từ tình yêu với biên cương, từ năm 2017 đến nay, tuổi trẻ tỉnh nhà đã phối hợp thực hiện nhiều công trình in đậm dấu ấn, như: “Tượng đài Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại khuôn viên Đồn Biên phòng Bo Heng; “Phòng khám quân dân y” tại xã Ia Lốp, huyện Ea Súp; công trình “Thắp sáng đường biên” ở khu vực Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk... với tổng trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng.

Vì biên cương giàu đẹp, các xã biên giới Ia Lốp, Ia R’vê, Ea Bung (huyện Ea Súp) và Krông Na (huyện Buôn Đôn) đã phối hợp với các đồn biên phòng triển khai nhiều phong trào, mô hình, chương trình như phong trào "Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự thôn, buôn khu vực biên giới"; mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới”, “Gia đình phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới”, “Thanh niên không vi phạm pháp luật”; phối hợp tổ chức các chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”;  “Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản” , “Tay kéo biên phòng”… Từ đó tạo tin yêu trong nhân dân, kết hợp làm công tác tuyên truyền, giáo dục để bà con hiểu rõ về nghĩa vụ, trách nhiệm trong giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.