Multimedia Đọc Báo in

Đa dạng các hoạt động tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19

08:49, 21/08/2020

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các địa phương đã có những cách làm đa dạng, linh động, sáng tạo nhằm tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh đến người dân trên địa bàn.

Người dân là tuyên truyền viên

Những ngày này, tại nhiều tuyến đường của huyện M'Đrắk từ thị trấn đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân đã quen thuộc với hình ảnh các đoàn viên, thanh niên mặc áo xanh lái xe máy gắn loa di động đi khắp các ngõ xóm để tuyên truyền về dịch Covid-19, bệnh bạch hầu.

Anh Nông Anh Dũng, Bí thư Huyện Đoàn M'Đrắk cho biết, do địa bàn dân cư phân bố rộng, có nhiều thôn, buôn ở vùng sâu, vùng xa, địa hình đồi núi cách trở nên các cơ sở Đoàn đã sử dụng xe máy có gắn loa di động để vào tận các thôn, buôn, lên tận nương rẫy tuyên truyền, hướng dẫn bà con các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Căn cứ đặc điểm, tình hình từng địa phương, mỗi xã thành lập ít nhất 2 đội truyền thông lưu động (mỗi đội có từ 3 - 4 người) chia nhau 2 - 3 buổi/tuần lái xe máy gắn loa đến tuyên truyền tại thôn, buôn vùng sâu, vùng xa.

Ðoàn viên, thanh niên xã Ea M'nang (huyện Cư M'gar) tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh bằng loa  di động.  Ảnh: H'Xiu
Ðoàn viên, thanh niên xã Ea M'nang (huyện Cư M'gar) tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh bằng loa di động. Ảnh: H'Xiu

Bên cạnh tuyên truyền bằng loa di động, các cơ sở Đoàn còn tận dụng tuyên truyền qua mạng xã hội Zalo, Facebook, phát tờ rơi, sử dụng băng rôn… có nội dung liên quan đến tình hình, cách thức phòng dịch bệnh; thành lập 14 đội tình nguyện (1 đội xung kích của Huyện Đoàn và 13 đội tình nguyện xã hội của các xã, thị trấn) để trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân khai báo y tế, tổ chức những điểm đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn cho người dân và cán bộ, công nhân viên chức tại các cơ quan hành chính. Ngoài ra, bằng nguồn xã hội hóa, các tổ chức cơ sở Đoàn đã vận động hỗ trợ nhu yếu phẩm, khẩu trang y tế, nước sát khuẩn cho người nghèo bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Huyện M’Đrắk còn vận động các già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc, chức việc tôn giáo tham gia tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Như ông Giàng A Chua, người có uy tín của thôn Ea Bra (thôn có hơn 99,5% dân số là người Hmông) của xã Ea Trang, từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19, bệnh bạch hầu, ông cùng các thành viên trong thôn tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà” trong thôn và lồng ghép trong các buổi sinh hoạt cộng đồng để tuyên truyền, hướng dẫn bà con về cách phòng, chống dịch bệnh. Ngoài ra, ông Giàng A Chua còn khuyên mọi người nếu không cần thiết thì hạn chế ra ngoài và phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà; nhắc nhở người dân vệ sinh nhà cửa, cá nhân sạch sẽ và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Với nhiều hình thức tuyên truyền, huyện M’Đrắk đã vận động hàng nghìn lượt người tự nguyện khai báo y tế khi đi từ các vùng dịch trở về địa phương, trong đó có 2.100 trường hợp được hướng dẫn cách ly theo quy định. Đến thời điểm hiện tại huyện M'Đrắk chưa phát hiện ca dương tính với Covid-19; bệnh bạch hầu đã cơ bản được khống chế.

   Tuyên truyền bằng tiếng Êđê

Thời gian qua, đoàn viên, thanh niên huyện Cư M’gar hằng ngày lái xe máy gắn loa đến từng ngõ xóm; đặc biệt, ở các buôn, không chỉ bằng tiếng phổ thông mà bằng cả tiếng Êđê, giúp người dân nắm bắt rõ hơn về tình hình, cách phòng dịch Covid-19.

Từ cuối tháng 7 đến nay, bất kể trời nắng hay mưa, ở các thôn, buôn trong xã Cư Dliê Mnông, vào khoảng 6 giờ đến 8 giờ và từ 16 giờ đến 18 giờ hằng ngày, những chiếc xe chở loa lại chạy chầm chậm trên các tuyến đường trong buôn phát nội dung hướng dẫn phòng chống dịch bằng tiếng Êđê. Nhờ vậy, ở buôn Brah, từ người già đến trẻ em đều biết và thuộc lòng các biện pháp phòng, chống dịch như thường xuyên rửa sạch tay, vệ sinh nhà cửa và môi trường sạch sẽ, đeo khẩu trang khi ra ngoài và đến chỗ đông người. Anh Y Diu Ktla, người dân trong buôn chia sẻ: “Phát tờ rơi thì đa phần trong tờ rơi viết bằng tiếng phổ thông, một số người dân không hiểu. Việc tuyên truyền trên loa di động bằng tiếng Êđê thì dễ hiểu hơn, bà con trong buôn tiếp thu dễ hơn nên tuân thủ rất nghiêm túc các biện pháp phòng dịch”.

Anh Nguyễn Hữu Ân, Bí thư Đoàn xã Cư Dliê M'nông cho biết, trước đây Đoàn xã chỉ tuyên truyền bằng cách phát tờ rơi, đăng tải thông tin trên trang mạng xã hội của tổ chức Đoàn là chủ yếu. Tuy nhiên, khi đợt dịch bùng phát trở lại vào cuối tháng 7 vừa qua và ghi nhận có ca bệnh tại Đắk Lắk, Đoàn xã đã tăng cường sử dụng xe máy chở loa đi đến từng thôn, buôn để tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền tại các buôn được dịch sang tiếng Êđê để giúp bà con hiểu và dễ tiếp thu hơn.

Tương tự, ngoài việc tuyên truyền lưu động tại khu vực trung tâm, khu vực đông dân cư, đoàn viên, thanh niên xã Ea M’nang còn tổ chức tuyên truyền lưu động ở tất cả các ngõ xóm của 8 thôn trên địa bàn xã, giúp người dân cập nhật thông tin về dịch bệnh, nhắc nhở mọi người chấp hành các quy định về giãn cách, hiểu ý nghĩa của việc khai báo y tế, không chia sẻ những thông tin không chính thống trên mạng xã hội.

Theo anh Y Wal Mlô, Bí thư Huyện Đoàn Cư M’gar, hình thức tuyên truyền bằng loa di động rất linh hoạt và thuận lợi vì có thể đi đến từng đường làng, ngõ xóm. Đặc biệt, một số địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số như: Cư Dliê M’nông, Cuôr Đăng, Ea Drơng…, việc tuyên truyền bằng tiếng Êđê đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp bà con tiếp cận thông tin một cách dễ dàng, nhanh chóng.

Mỹ Sự - H’Xiu Êban

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc