Multimedia Đọc Báo in

Chính trường Thái Lan lại “dậy sóng”

11:13, 12/02/2011
Trưa 11-2, khoảng 2.000 người thuộc Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD), còn gọi là phe "áo vàng" ở Thái Lan, đã tuần hành từ khu vực biểu tình trước Tòa nhà Chính phủ đến quảng trường Royal Plaza ở thủ đô Bangkok.

Những người biểu tình "thề bảo vệ đất nước" và trải hoa hồng dưới chân tượng Quốc vương Rama V trước khi quay về khu vực biểu tình.
Phe áo vàng biểu tình tại Bangkok. Ảnh: THX
Phe áo vàng biểu tình tại Bangkok. Ảnh: THX

Thiếu tướng Wichai Sangprapai, Chỉ huy Sư đoàn Cảnh sát số 1 của thủ đô Bangkok, cho biết mặc dù các thủ lĩnh PAD tuyên bố họ sẽ không kéo đến tòa nhà Quốc hội, song 13 đại đội cảnh sát vẫn được triển khai xung quanh khu vực này để đảm bảo an ninh.

Ông Vichai cũng cho biết Sở Cảnh sát Bangkok đã đề nghị Văn phòng Tổng Chưởng lý yêu cầu Tòa án Dân sự buộc những người biểu tình "áo vàng" chấm dứt chiếm giữ một số khu vực để các hoạt động công cộng trở lại bình thường.

Theo Phó Thủ tướng phụ trách an ninh Suthep Thaugsuban, trong ngày 11-2, lực lượng cảnh sát có thể giành lại những khu vực mà phe "áo vàng" chiếm giữ.

Trung tâm quản lý hòa bình và trật tự (CAPO) của Thái Lan cũng đã thông báo lệnh cấm giao thông trên 9 đoạn đường xung quanh Tòa nhà Chính phủ và trụ sở Quốc hội tại thủ đô Bangkok, nhằm ngăn chặn khả năng những người biểu tình chống chính phủ gây rối.

Người phát ngôn CAPO, Thiếu tướng cảnh sát Prawut Thavornsiri cho biết lệnh cấm được thực thi tại những địa điểm diễn ra biểu tình để nhắc nhở và thuyết phục những người “áo vàng” đang biểu tình gần hai địa điểm này tuân thủ.

Lệnh cấm được đưa ra theo tinh thần của Luật An ninh nội địa, nhưng CAPO sẽ không sử dụng vũ lực để giải tán người biểu tình nếu họ không xâm phạm hay bao vây bất kỳ cơ quan nào của chính phủ. Tuy nhiên, nếu việc thương lượng với những người biểu tình không đạt kết quả, CAPO sẽ triển khai các biện pháp theo tiêu chuẩn quốc tế để thực hiện nhiệm vụ.

Trong một diễn biến khác, ông Jatuporn Promphan, một thủ lĩnh "áo đỏ" ngày 10-2 cho biết những người “áo đỏ” dự định tổ chức biểu tình vào ngày 13-2 và sẽ tiếp tục biểu tình tuần hành hàng tháng cho tới khi chính quyền thả 7 thủ lĩnh của Mặt trận thống nhất chống độc tài (UDD) đang bị giam giữ vì bị cáo buộc dính líu tới cuộc biểu tình bạo lực hồi tháng 4 đến 5-2010.

Trong khi đó, ngày 11-2, Quốc hội Thái Lan đã bỏ phiếu thông qua lần cuối hai dự luật sửa đổi Hiến pháp. Đây là điều mà Thủ tướng nước này, Abhisit Vejjajiva đã xác định như một điều kiện để tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn. Với 397 phiếu thuận, 19 phiếu chống và 10 phiếu trắng, Quốc hội đã thông qua dự luật sửa đổi Điều 190 của Hiến pháp năm 2007 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chính phủ trong việc ký kết các hiệp định song phương và đa phương với các nước khác.

Cùng ngày, dự luật sửa đổi hệ thống bầu cử Hạ viện cũng đã được Quốc hội thông qua với 347 phiếu thuận, 37 phiếu chống và 42 phiếu trắng.

Theo nội dung sửa đổi này, Hạ viện sẽ gồm 500 thành viên, trong đó 375 nghị sĩ là đại diện khu vực bầu cử và 125 nghị sĩ là đại diện các đảng phái. Hiện Hạ viện Thái Lan gồm 480 thành viên, trong đó 400 nghị sĩ là đại diện khu vực bầu cử và 80 thành viên là đại diện các đảng phái.

G.N (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc