Multimedia Đọc Báo in

Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh

16:07, 13/08/2014

Sáng 13-8, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Đinh Văn Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh  ủy và UBND tỉnh. Về phía tỉnh có các đồng chí: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cao Đức Khiêm; Phó Bí thư Tỉnh ủy Êban Y Phu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hiếu và đại diện các sở, ban, ngành trong tỉnh.

Nội dung buổi làm việc tập trung vào đánh giá tình hình thực hiện các chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh; thực trạng dân di cư ngoài kế hoạch và giải pháp bố trí lại dân cư theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh và thực trạng phát triển kinh tế du lịch và định hướng chính sách thúc đẩy kinh tế du lịch Dak Lak.

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc

Theo báo cáo của tỉnh, thời gian qua kinh tế của tỉnh có tốc độ tăng trưởng khá, nhưng bắt đầu có dấu hiệu chậm lại trong vài năm gần đây. Giai đoạn 2006-2010 tăng trưởng bình quân đạt 12,1%/năm, nhưng giai đoạn 2011-2013 tăng trưởng bình quân khoảng 8,4%/năm, riêng 2013 chỉ tăng 6,35%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực nhưng nhìn chung vẫn còn chậm. Ngay sau khi Bộ Chính trị (khóa IX) ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010, và Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW, Tỉnh ủy đã tổ chức các hội nghị quán triệt, triển khai đến cán bộ chủ chốt, chỉ đạo các cấp, ngành kịp thời quán triệt, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn. Trong quá trình thực hiện, việc sơ kết, tổng kết được triển khai nghiêm túc theo chương trình làm việc của Tỉnh ủy để đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế trong quá trình thực hiện, từ đó đề ra giải pháp phù hợp để thực hiện hiệu quả giai đoạn tiếp theo. Việc thực hiện các chính sách xã hội giai đoạn 2010-2013 theo tinh thần Nghị quyết 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị được triển khai đầy đủ, kịp thời. Đáng chú ý là tỉnh đã dành kinh phí 2.047 tỷ đồng triển khai công tác xóa đói giảm nghèo cùng với sự tham gia của toàn xã hội góp phần giảm hộ nghèo từ 20,82% năm 2010 xuống còn 12,26% năm 2013.

Vấn đề dân di cư ngoài kế hoạch trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, gây áp lực lớn về KT-XH, phá vỡ quy hoạch và các mục tiêu phát triển của tỉnh. Tỉnh đã có nhiều nỗ lực để làm tốt công tác bố trí, sắp xếp, ổn định dân di cư ngoài kế hoạch. Từ năm 1976 đến nay có 59.498 hộ với 289.808 khẩu của 60 tỉnh, thành trong cả nước di cư tự do đến, cư trú trên địa bàn 15 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Đến thời điểm 31-12-2013, đã sắp xếp, ổn định cho 52.610 hộ với 263.050 khẩu vào vùng quy hoạch của các chương trình; hiện vẫn còn 5.541 hộ với 24.934 khẩu cần tiếp tục bố trí, ổn định. Giai đoạn 2004-2013 đã có 15/17 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng bố trí dân di cư ngoài kế hoạch được bố trí vốn. Đến nay tỉnh vẫn tiếp tục triển khai các dự án nhằm quy hoạch, ổn định và nâng cao đời sống của bà con di cư ngoài kế hoạch trên địa bàn.

Về vấn đề kinh tế du lịch, mặc dù có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh, nhưng du lịch Dak Lak vẫn phát triển chưa tương xứng, chưa khẳng định được vị trí, vai trò là một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Năm 2013, lượng du khách đến tỉnh đạt 410 nghìn lượt với doanh thu trên 310 tỷ đồng. Tuy nhiên chất lượng nguồn nhân lực yếu, số lao động chưa qua đào tạo vẫn còn nhiều, sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch còn hạn chế… đã hạn chế sự phát triển của du lịch Dak Lak.

Đại diện ngành GD-ĐT kiến nghị những giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Đại diện ngành GD-ĐT kiến nghị những giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi những giải pháp để tháo gỡ khó khăn khi thực hiện, cũng như những tác động tích cực của các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ đối với việc phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh; tìm ra những giải pháp mang tính đột phá để thúc đẩy phát triển KT-XH, xóa đói, giảm nghèo. Trong đó đáng chú ý là vấn đề liên kết vùng giữa các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên; vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực phục vụ du lịch; vấn đề việc làm của sinh viên sau khi ra trường; các chính sách đối với người nghèo... Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cao Đức Khiêm cho rằng, do đặc thù của tỉnh nên nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, do vậy thời gian tới tỉnh sẽ tập trung tái cơ cấu kinh tế, sắp xếp lại các doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống dân sinh. Đồng chí đề nghị cần có cơ chế hỗ trợ mang tính đặc thù đối với Dak Lak nói riêng, Tây Nguyên nói chung; cần có đơn vị đầu mối để theo dõi, đánh giá việc triển khai, thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW; cần tăng cường nguồn lực bảo đảm thực hiện hiệu quả các chính sách mà Trung ương đã đề ra...

Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đinh Văn Cương đánh giá cao những cố gắng nỗ lực của đảng bộ và chính quyền địa phương trong việc ổn định và từng bước nâng cao đời sống của người dân theo tinh thần Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010 của Bộ Chính trị (khóa IX) và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị. Về những kiến nghị của địa phương Đoàn công tác sẽ tiến hành tổng hợp  và coi đây là cơ sở quan trọng để tham mưu cho Đảng, Chính phủ nghiên cứu, điều chỉnh cơ chế, chính sách cho phù hợp hơn với thực tiến  trong thời gian tới.


Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.