Multimedia Đọc Báo in

Tưởng niệm giữa Trường Sa

09:00, 30/07/2012

Một trong những ấn tượng không thể nào quên đối với những người làm báo chúng tôi là khi con tàu HQ - 571 chở đoàn công tác của các tỉnh, thành phố ra thăm, tặng quà quân và dân đảo Trường Sa dừng lại trên vùng biển đảo Gạc Ma tưởng niệm 64 chiến sĩ đã hy sinh ngay chính tại nơi đây để bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thắp nhang tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đảo Gạc Ma.
Thắp nhang tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ trên đảo Gạc Ma.

Có lẽ buổi sáng 21-5-2012 là một ngày thật đặc biệt đối với những người có mặt trên tàu HQ - 571. Mọi người tranh thủ lên boong tàu sớm, khi bình minh chưa ló dạng để cùng hướng ánh mắt về đảo Gạc Ma, hòn đảo đã ghi thêm vào lịch sử dân tộc Việt Nam những trang hào hùng, bi tráng. Hòn đảo dần dần hiện ra trước mắt. Không gian, thời gian như lắng đọng lại, không ai nói với ai lời nào, gương mặt mỗi người trầm tư hồi tưởng thời khắc lịch sử cách đây hơn 20 năm. Ngày 14-3-1988, tại vùng biển đảo này, vào lúc 6h sáng khi đang chuyển vật liệu vào để xây dựng đảo, các chiến sĩ tàu HQ-604 và 1 phân đội Công binh Hải quân phát hiện 4 tàu địch trang bị vũ khí hiện đại tấn công trực tiếp vào đảo Gạc Ma. Trước tình huống bị tấn công bất ngờ,  toàn thể cán bộ, chiến sĩ trên tàu đã kiên cường chiến đấu để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Trong cuộc chiến không cân sức đó 64 cán bộ, chiến sĩ các tàu HQ-505, HQ-604, HQ-605 Lữ đoàn 125, Lữ đoàn 146, Trung đoàn Công binh 83 Hải quân… đã anh dũng hy sinh. Những hình ảnh được tái hiện như những thước phim quay chậm qua giọng kể xúc động của Chính trị viên tàu HQ - 571, Trung tá Nguyễn Văn Lưu: “Chúng tôi xin nghiêng mình cảm phục trước tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm của các anh hùng liệt sĩ, bằng ý chí và quyết tâm sắt đá, với tâm niệm: “Bảo vệ biển đảo của Tổ quốc là nhiệm vụ cao cả, là mệnh lệnh trái tim của người lính”, các anh thề dù có phải hy sinh cũng bảo vệ, khẳng định được chủ quyền tuyệt đối của quốc gia với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”. Đó là những tấm gương can trường như Thiếu úy Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước sự tấn công hung bạo của kẻ thù vẫn bình tĩnh chỉ huy cán bộ chiến sĩ bảo vệ tàu, giữ vững lá cờ Tổ quốc trên đảo. Trước lúc hy sinh anh hiên ngang, khí phách quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội: “Không được lùi bước, phải để máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của quân chủng”; Anh hùng Nguyễn Văn Lanh đã kiên cường chiến đấu, dù bị thương nặng vẫn không rời vị trí, quyết giữ đảo đến cùng; Anh hùng thuyền trưởng Nguyễn Huy Lễ, trước tình thế mất đảo đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy tàu HQ - 505 vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng lao lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài vững chắc khẳng định chủ quyền của Tổ quốc… Kể sao cho xiết hành động quả cảm bất tử của 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam. Các anh đã ngã xuống nơi đây, hòa máu xương vào lòng biển đảo quê hương, làm thành bản trường ca hùng tráng, ngày đêm vang vọng như tiếng sóng vỗ. Tên tuổi của các anh mãi mãi khắc ghi vào tâm thức mỗi người dân Việt Nam.

Lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trên quần đảo  Trường Sa.
Lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trên quần đảo Trường Sa.

Tiếng còi tàu tưởng niệm hương hồn các anh cất lên, đưa chúng tôi trở về với thực tại. Mọi người trang nghiêm, lặng lẽ ngước nhìn  bàn thờ nghi ngút khói hương. Điệu nhạc chiêu hồn bi ai, trầm hùng quyện trong âm vang rì rầm của tiếng sóng biển như vỗ về anh linh các liệt sĩ. Không khí chùng xuống khi Thiếu tá Đặng Hữu Trung đọc diễn văn tưởng niệm: “Các anh đã nằm lại nơi này, hòa mình vào trong lòng biển đảo quê hương. Đến nay hình hài nhiều đồng chí vẫn đang nằm lại nơi biển sâu lạnh lẽo, đang hằng ngày, hằng giờ mòn mỏi theo thời gian, quặn đau trong sự khắc nghiệt của thiên tai, thời tiết… Sự ra đi của các anh thật thanh thản và rất đỗi vinh quang, song để lại phía sau là nỗi đau tột cùng của gia đình, đồng đội, bao nỗi nhớ khôn nguôi, niềm hy vọng trên khóe mắt những người mẹ, người cha, người vợ; hằn trong ký ức ngây thơ của những đứa con ngày ngày đau đáu bên cánh cửa đợi trông, mong các anh về. Nỗi đau ấy, niềm thương nhớ, hy vọng ấy vẫn hằng đeo đuổi ngày đêm…”.  Những giọt nước mắt lặng lẽ lăn dài trên má, đọng lại những ánh mắt rưng rưng và vỡ òa nức nở theo lời điếu văn tưởng niệm.

Thả vòng hoa tưởng niệm  các Anh hùng liệt sĩ.
Thả vòng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ.

 Trong giờ phút linh thiêng, tràn đầy xúc động ấy, với lòng thành kính và biết ơn vô hạn, chúng tôi kính cẩn nghiêng mình, dành một phút mặc niệm trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc. Vòng hoa mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ” cùng hàng nghìn bông hoa, cánh hạc giấy được chúng tôi trân trọng thả xuống mặt nước xanh biếc đang bập bềnh, nhẹ trôi theo cánh sóng vỗ, như lững lờ, như nuối tiếc phút giây gặp gỡ giữa 2 miền tâm linh. Biển linh hiển dường như cũng thấu hiểu lòng người, như người mẹ đất Việt bao dung đang giang rộng vòng tay đón nhận những tấm lòng tri ân. Và cũng trong thời khắc linh thiêng đó, trong mỗi ánh mắt, gương mặt của những người tham dự Lễ tưởng niệm cùng đồng hướng ý nghĩ, bày tỏ sự kính trọng, lòng tri ân, biết ơn sâu sắc đến thân nhân các liệt sĩ, những người cha, người mẹ, người vợ… đã hy sinh một phần máu thịt cho Tổ quốc.  Sự tri ân ấy được thể hiện qua những hành động, nghĩa cử thiết thực như hưởng ứng cuộc vận động Góp đá xây Trường Sa; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần các gia đình liệt sĩ… để làm vơi đi đau thương, bù đắp phần nào những mất mát to lớn. Để dù đang yên nghỉ dưới lòng biển sâu, các anh vẫn cảm nhận được điều đó, rồi hóa thân mình vào trong biển nước mặn mà, ngày đêm lại thầm thì kể câu chuyện bi tráng của quê hương, đất nước cho lớp lớp thế hệ mai sau, như lời bài hát: “Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam! Qua bao nhiêu thăng trầm mà chiều nay vẫn dịu dàng, vùi sâu dưới cát những gì đau thương, biển lại hát tình ca biển kể chuyện quê hương…”.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc