Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị thảo luận, góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật Việc làm

13:53, 17/09/2013
Sáng 17-9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức Hội nghị thảo luận, tham gia góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật Việc làm. Tham dự Hội nghị có các đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện Ủy ban MTTQVN tỉnh; Thường trực HĐND, lãnh đạo chuyên trách các ban của HĐND tỉnh  cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan. Ông Phạm Minh Tấn, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị. 
 

 

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị
Tại Hội nghị, các đại biểu đều thống nhất về sự cần thiết ban hành 2 dự thảo Luật nói trên để tạo thêm cơ sở pháp lý vững chắc cho các hoạt động trên các lĩnh vực thi đua khen thưởng và việc làm. 
 
Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng, có đại biểu cho rằng dự thảo Luật lần này sửa đổi 53 điều trong khi Luật thi đua, khen thưởng năm 2003 có 103 điều và đã được sửa đổi, bổ sung vào năm 2005 nên để thống nhất, thuận tiện trong quá trình theo dõi thực hiện, cần nghiên cứu theo hướng ban hành luật mới thay thế cho luật hiện hành. Nhiều quy định trong Luật cũng được các đại biểu góp ý là cần làm rõ thêm, như quy trình về việc khen thưởng cho đại biểu Quốc hội chuyên trách tại địa phương; quy định rõ hơn về thời gian, quá trình công tác trong tiêu chuẩn khen thưởng thường xuyên đối với hình thức là huân chương các loại… Các đại biểu cũng có ý kiến cho rằng trong Luật cần thể hiện rõ nguyên tắc khen thưởng phải là “kết hợp động viên tinh thần tương xứng với khuyến khích bằng lợi ích vật chất” để làm tăng tính thiết thực, hiệu quả của việc khen thưởng, tránh tình trạng khen thưởng một cách hình thức, chiếu lệ như trong thực tế đã xảy ra. Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng tôn vinh, khen thưởng tự phát, mỗi nơi mỗi kiểu diễn ra trong thực tế, có ý kiến đề nghị Luật Thi đua, khen thưởng cần bổ sung quy định về biểu trưng, biểu tượng, huy hiệu, lô gô, cờ truyền thống của các bộ ngành, cơ quan…; quy định về hoạt động, thẩm quyền tổ chức tôn vinh danh hiệu và trao tặng các giải thưởng cho các tổ chức, cá nhân; quy định về Hội đồng Thi đua – Khen thưởng các cấp. 
Đại diện Sở Nội vụ phát biểu góp dự thảo Luật
Đại diện Sở Nội vụ phát biểu góp dự thảo Luật
Về dự thảo Luật Việc làm, nhiều đại biểu cho rằng các quy định còn chung chung, gây khó khăn khi được triển khai trong thực tế; chẳng hạn trong quy định về điều kiện được vay vốn tín dụng ưu đãi việc làm, đối tượng phải “bảo đảm tiền vay” nhưng không rõ là bảo đảm điều gì; hay trong quy định những đối tượng được Nhà nước hỗ trợ khi có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài chỉ nói chung chung là “thân nhân của người có công với cách mạng” mà không rõ cụ thể là những ai, có quan hệ thế nào với người có công với cách mạng…  Một số nội dung chưa cụ thể, chẳng hạn quy định về nội dung chính sách công thì mới chỉ nêu đề mục việc làm công chứ chưa đề cập đến chính sách gì. Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến cho rằng một số nội dung, quy định trong Luật cần phải được nghiên cứu lại cho sát hơn với thực tế và thống nhất với các văn bản luật khác có liên quan. Chẳng hạn, tại khoản 3, điều 18 có quy định “miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật về thuế” cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể tạo việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn, trong khi nội dung này không được đề cập trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; hoặc tại khoản 1, điều 51 về mức, thời gian, thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp có quy định “mức trợ cấp thất nghiệp không được quá 5 lần mức lương cơ sở của cán bộ, công chức tại thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp” là không phù hợp bởi trên thực tế mức lương tại các tổ chức, doanh nghiệp ngoài quốc doanh cao hơn nhiều so với mức lương trong các doanh nghiệp Nhà nước… 
 
Được biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật Việc làm sẽ được thảo luận, thông qua tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII (dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 21-10 đến 3-12).
 
Hồng Thủy
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.