Multimedia Đọc Báo in

Triển khai thực hiện chính sách dân tộc: Hiệu quả nhìn từ huyện Cư M’gar

08:49, 11/09/2013

Trong những năm qua, việc thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn được huyện Cư M’gar hết sức quan tâm và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, qua đó góp phần cải thiện đời sống người dân, ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Nhiều hộ người DTTS huyện Cư M’gar được hưởng lợi từ mô hình trồng ngô lai chất lượng cao.
Nhiều hộ người DTTS huyện Cư M’gar được hưởng lợi từ mô hình trồng ngô lai chất lượng cao.

Huyện Cư M’gar có 24 buôn đồng bào DTTS với hơn 16.000 hộ, gần 83.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào DTTS tại chỗ hơn 12.500 hộ, gần 66.000 nhân khẩu. Trước đây, đời sống của người dân nói chung còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao do một số nguyên nhân như trình độ dân trí thấp, thiếu vốn sản xuất, đất canh tác và phương tiện sản xuất; gia đình đông con, hay ốm đau bệnh tật… Trước tình trạng trên, quan điểm của địa phương là muốn thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS thì vấn đề đầu tiên cần phải làm là giúp họ ổn định nơi ăn chốn ở thông qua các chính sách hỗ trợ. Cụ thể, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo tại xã Ea Kiết và xã Ea Kuêh từ đầu năm đến nay, huyện đã bố trí hơn 1,2 tỷ đồng xây dựng và duy tu bảo đưỡng các công trình cơ sở hạ tầng, trong đó đầu tư cho làm đường giao thông từ thôn 15 đi buôn Dao, xã Ea Kuêh với kinh phí 938 triệu đồng; xây dựng  cơ sở vật chất Trường Mầm non Hoa Phượng và Trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi (xã Ea Kiết) 210 triệu đồng; tu sửa Trường THCS Trần Quang Diệu (xã Ea Kuêh) 200 triệu đồng… Đồng thời, địa phương cũng hỗ trợ trực tiếp hơn 460 triệu đồng tiền mặt và hiện vật trị giá hơn 800 triệu đồng cho 3.419 hộ đồng bào DTTS nghèo tại vùng khó khăn. Bên cạnh đó, huyện cũng đã hoàn thành rà soát các đối tượng được hưởng hỗ trợ theo Quyết định 755/QĐ-TTg, ngày 20-5-2013 của Chính phủ “Về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo ở xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn”, tiếp tục triển khai cấp nước sinh hoạt cho 400 hộ và đất sản xuất cho 516 hộ tại các địa phương trong thời gian tới.

Bên cạnh những nhiệm vụ trên, huyện cũng quan tâm đến việc ổn định chỗ ở đối với người DTTS từ các tỉnh phía Bắc di cư đến địa bàn thông qua các dự án sắp xếp, ổn định dân di cư tự do. Cụ thể, địa phương đang tiến hành bố trí ổn định chỗ ở cho 219 hộ người Dao, Mông, Tày từ các tỉnh phía Bắc di cư vào các tiểu khu rừng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm và Lâm trường Buôn Wing vào điểm dân cư buôn Mông, xã Ea Kiết và buôn Xê Đăng, xã Ea Quêh.

Sau khi đã bố trí cho bà con người DTTS đã “an cư”, vấn đề giúp họ “lạc nghiệp” cũng được huyện chú trọng với việc xây dựng nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả như mô hình trồng xen bơ trái vụ trong vườn cà phê tại các xã Cuôr Đăng, Ea Drơng, Ea Hđing, Ea Tul, Ea Kiết, Ea Kpam, Quảng Hiệp và Cư M’gar, với kinh phí hơn 300 triệu đồng; trồng hoa ly ở thị trấn Ea Pốk và xã Quảng Tiến, kinh phí 80 triệu đồng; trồng ngô lai chất lượng cao tại Ea Mnang, Quảng Hiệp, Ea Mroh, xã Ea Kiết và Ea Kuêh; nuôi cá sấu ở xã Ea Kpam; nuôi dúi, cá rô đầu vuông ở xã Cư Suê; nuôi cá lăng ở xã Ea Mnang, hay hỗ trợ xây dựng cơ sở chế biến thức ăn gia súc, gia cầm tại xã Ea Hđing v.v… Chính từ quan tâm đến việc xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; nhiều mô hình đang được người dân áp dụng rộng rãi để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng hiệu quả kinh tế. Đã xuất hiện nhiều hộ DTTS sản xuất kinh doanh giỏi, vươn lên thoát khỏi đói nghèo, như hộ anh Sùi A Hài ở thôn Ea Mô xã Cư Suê, thu nhập mỗi năm 300 triệu đồng từ trang trai tổng hợp; hộ ông Y Huêch K’Buôr ở buôn Pôk A, thị trấn EaPôk, với mô hình trồng trọt, chăn nuôi thu nhập gần 200 triệu đồng/năm, hay anh Y Men Êban ở buôn Sut Mdưng, xã Cư Suê làm giàu nhờ trồng xen tiêu trong vườn cà phê cho thu nhập 300 – 400 triệu đồng/năm…

Với những kết quả đạt được trọng việc thực hiện các chính sách dân tộc, diện mạo nông thôn tại địa bàn đông bà con người DTTS ở huyện Cư M’gar đã có nhiều đổi thay, đời sống được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo người DTTS giảm xuống còn hơn 18 % (so với hơn 20% năm 2012). Trên địa bàn huyện cũng đã xuất hiện nhiều buôn mạnh về kinh tế như buôn Aring (xã Cuôr Đăng), buôn H’đinh (xã Cư Dliê Mnông), Buôn Hring, xã Ea Hđing...

 Minh Chi 


Ý kiến bạn đọc