Multimedia Đọc Báo in

Dak Lak nguyện phấn đấu thực hiện lời Bác, xây dựng quê hương mạnh giàu

09:45, 05/09/2014
Cách đây đã tròn 45 năm, nhưng trong ký ức của những người con Tây Nguyên nói chung, Dak Lak nói riêng đến bây giờ vẫn nhớ như in ngày Bác Hồ kính yêu mãi đi xa, ai cũng nước mắt tuôn trào, nhớ Bác khôn nguôi.
 
Mặc dù đang ở trong vùng bị địch kìm kẹp, áp bức, nhưng trong mỗi gia đình tấm ảnh Bác Hồ luôn được đồng bào gìn giữ, cất giấu như một báu vật thiêng liêng nhất.

Dẫu chưa một lần được đón Bác vào thăm, nhưng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên – Dak Lak vẫn như thấy Bác luôn gần gũi bên mình và gọi Bác là Awa Hồ (Bác Hồ). Tuy Bác đã đi xa, nhưng tình cảm, sự quan tâm của Người đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên – Dak Lak, đặc biệt là những lời căn dặn cuối cùng của Người trong Di chúc mãi mãi là nguồn sức mạnh tinh thần để cùng với nhân dân cả nuớc, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, xây dựng quê hương mạnh giàu. Điều may mắn, vinh dự cho nhân dân các dân tộc Dak Lak, đó là các đồng chí cách mạng tiền bối như: Y Bih Alê Ô, Ama Khê, Y Ngông Niê Kdăm, Y Blôk Êban, Amí Đoan và nhiều đồng chí khác đã nhiều lần được gặp Bác, kể cho Bác nghe tình hình Dak Lak, Tây Nguyên, về nỗi nhớ mong của đồng bào các dân tộc Dak Lak cũng như Tây Nguyên đối với Bác và tấm lòng son sắt một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Chính nhờ những lời dạy bảo ân cần, sâu sắc của Bác, sau khi trở lại quê hương các đồng chí đã trở thành những cán bộ lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo nhân dân vượt qua mọi gian khổ, hy sinh và giành được nhiều thắng lợi to lớn.

Dak Lak là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi đây tập trung mọi lực lượng, phương tiện hùng hậu của địch và trở thành một chiến trường giao tranh, giành giật vô cùng ác liệt giữa ta và địch. Thực hiện lời dạy của Bác: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, Bộ Chính trị chọn Buôn Ma Thuột làm điểm mở màn cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Chiến thắng lịch sử Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975 đã góp phần quan trọng cho Đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Sau gần 40 năm giải phóng, nhất là từ thời kỳ đổi mới (năm 1986) đến nay, Dak Lak đã có những bước phát triển vượt bậc, đạt nhiều thành tựu quan trọng về tất cả các lĩnh vực, làm biến đổi sâu sắc đời sống xã hội, tạo ra thế và lực mới cho tỉnh nhà trên con đường phát triển. Mặc dù từ năm 2008 đến nay, trong bối cảnh vẫn còn chịu ảnh hưởng khủng hoảng tài chính thế giới, lạm phát trong nước… nhưng kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng khá; hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội đều đạt và vượt mức đề ra. Trong giai đoạn từ 2011 – 2013, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 8,42%; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, đầu tư tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; quy mô chất lượng của nền kinh tế tiếp tục được nâng lên. Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước trên địa bàn 3 năm 2011 – 2013 đạt 10.510 tỷ đồng, tăng bình quân 10,7%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 1.163 USD, tính theo giá hiện hành trên 28 triệu đồng. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 3 năm 2011-2013 đạt 2.240 triệu đồng…

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.          Ảnh: T.L
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh: T.L

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội có sự chuyển biến tích cực, trình độ dân trí, đời sống của các tầng lớp nhân dân được nâng lên rõ rệt: tỷ lệ phủ sóng phát thanh - truyền hình đạt 100%, 100% xã, phường thị trấn đã có Internet băng thông rộng, thuê bao Internet phát triển nhanh ; các huyện đều có trường dân tộc nội trú và trung tâm giáo dục thường xuyên, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 28%; mạng lưới y tế được củng cố và tăng cường, trang thiết bị y tế được đầu tư nâng cấp, các chỉ tiêu về số lượng giường bệnh/vạn dân, tỷ lệ xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế , tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ... tăng dần qua các năm; chú trọng giải quyết việc làm và tạo việc làm mới cho người lao động (trong 3 năm 2011-2013, giải quyết việc làm được 7,7 vạn lao động); tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, nay còn 11,67%, giảm bình quân 3%/năm … Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định; quốc phòng được giữ vững; hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn; năng lực lãnh đạo và quản lý, điều hành của cấp ủy chính quyền các cấp ngày được nâng lên. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng và các tổ chức chính trị - xã hội có chuyển biến tích cực, hướng mạnh hơn về cơ sở.

Dak Lak là tỉnh đa dân tộc, với 47 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh, có nền văn hóa phong phú, đa dạng, đặc sắc và truyền thống đoàn kết đấu tranh cách mạng anh dũng. Thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trong những năm qua, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ngày càng được nâng cao, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số có những thay đổi đáng kể. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận các cấp trong tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng quê hương, đất nước mạnh giàu.

Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ thường xuyên tập trung vào công tác giáo dục, nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống; chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Đảng bộ tỉnh đã kịp thời chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc và thật sự đi vào chiều sâu, có hiệu quả, ngày càng xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực và các thành phần trong xã hội. Quan tâm củng cố, phát triển tổ chức đảng và đảng viên ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào có đạo. Đảng bộ tỉnh chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, trong đó quan tâm đến đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số.

Qua 45 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ và để đáp lại tình yêu thương vô hạn của Người, đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã phát huy truyền thống cách mạng, nêu cao tinh thần đoàn kết,  vượt qua mọi khó khăn, thách thức và bước đầu đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên vẫn còn không ít những hạn chế, khuyết điểm, những thành tựu đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Phát triển kinh tế chưa kết hợp tốt với giải quyết các vấn đề xã hội. Nỗi trăn trở, băn khoăn để đồng bào “có đủ cơm ăn, áo mặc” như Bác mong muốn chưa thực hiện được trọn vẹn, vẫn còn khoảng cách giàu nghèo, đời sống của một bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu vùng xa. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức chưa thực sự gương mẫu, chưa thực sự “là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”…

Tiếp tục thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Người, để xây dựng quê hương, đất nước mạnh giàu, mỗi người con đất Việt phải đoàn kết một lòng, tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chắc chắn rằng chúng ta sẽ thực hiện được lời dạy của Bác: “Xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, với những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh nhà đã đạt được, với truyền thống quê hương cách mạng 10-3 anh hùng, cùng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, được soi sáng và cổ vũ mạnh mẽ bởi tư tưởng và tấm gương đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Dak Lak sẽ tiếp tục chủ động đổi mới toàn diện, năng động, sáng tạo vượt qua khó khăn và thách thức, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đinh Xuân Toản

(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.