Đánh giá hiệu quả quản trị nhà nước hành chính công của tỉnh
Chiều 26-10, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh để nghe báo cáo về kết quả nghiên cứu tư vấn chính sách, xây dựng khuyến nghị, giải pháp chính sách nhằm tăng cường hiệu quả quản trị và hành chính công, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh Đắk Lắk.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) được khảo sát, đo lường từ năm 2011 trên phạm vi toàn quốc, là một kênh thông tin mới góp phần phản ánh có căn cứ khoa học những ý kiến đánh giá của người dân về những việc cấc cấp chính quyền đã làm được và chưa làm được trong thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công. Tháng 7-2015, đoàn cán bộ nghiên cứu về tư vấn chính sách của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã thực hiện nghiên cứu đánh giá kết quả chỉ số PAPI của tỉnh Đắk Lắk.
Chỉ số PAPI tổng hợp bao gồm các chỉ số PAPI theo sáu trục nội dung: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công. Trong đó so sánh với các địa phương ở Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk xếp hạng 1/5 ở trục nội dung về “công khai, minh bạch”; xếp hạng 2/5 ở trục nội dung “kiểm soát tham nhũng”; xếp hạng 3/5 ở trục nội dung “cung ứng dịch vụ”; xếp hạng 4/5 ở trục nội dung “thủ tục hành chính công”; có hai trục nội dung về “tham gia của người dân ở cơ sở” và “trách nhiệm giải trình với người dân”, Đắk Lắk xếp hạng 5/5. Tổng hợp kết quả chỉ số PAPI năm 2014 cho thấy, tỉnh Đắk Lắk đạt 35,68 điểm. Trong các tỉnh Tây Nguyên, Đắk Lắk có kết quả chỉ số PAPI chưa cao, xếp hạng 4/5 (thấp hơn so với Lâm Đồng, Gia Lai và Đắk Nông)...
Tại buổi làm việc, đoàn nghiên cứu cũng đề xuất một số giải pháp cải thiện chỉ số PAPI ở tỉnh Đắk Lắk: UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ban, ngành của địa phương quan tâm khai thác sử dụng số liệu PAPI hằng năm nhằm xác định các trục nội dung thành phần hay lĩnh vực hoạt động có yếu kém để kịp thời đưa ra các biện pháp cải thiện chất lượng công tác, từ đó nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước và hành chính công. Bên cạnh đó UBND tỉnh cần chỉ đạo sớm hoàn thiện Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại ở tất cả các đơn vị cấp huyện; xây dựng cơ chế quy định trách nhiệm hơn nữa của người đứng đầu các đơn vị với kết quả thực hiện Chương trình cải cách hành chính; tăng cường đào tạo bồi dưỡng về kỹ năng giao tiếp thân thiện với người dân cho đội ngũ cán bộ xã, phường, đặc biệt là cán bộ làm việc ở các bộ phận “một cửa”; ban hành văn bản nhằm cải thiện hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh cần thiết đi cùng kế hoạch hành động cụ thể, có các chỉ báo giám sát...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh ghi nhận và đánh giá kết quả nghiên cứu của đoàn là tương đối chính xác, qua đó nêu được những mặt đạt được và chưa đạt được trong công tác cải cách hành chính của tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh đề nghị đoàn nghiên cứu đề xuất thêm những kiến nghị cụ thể, sát thực hơn nữa với tình hình thực tế của địa phương, đặc biệt là những biện pháp khắc phục các điểm còn yếu kém, tồn tại để hoàn thiện báo cáo, từ đó địa phương có những quyết sách, thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả quản trị và hành chính công, nâng cao chỉ số PAPI của Đắk Lắk ...
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc