Multimedia Đọc Báo in

Một số ý kiến về đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã, phường

09:48, 26/10/2015
Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã, phường là cầu nối trực tiếp giữa Đảng với dân trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong bồi dưỡng, giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, nhân dân theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Hiện nay, về tổ chức, Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã, phường có từ 7-9 thành viên gồm một trưởng ban là Bí thư hoặc Phó Bí thư Đảng ủy, một phó trưởng ban là phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phụ trách văn xã. Các thành viên còn lại gồm: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, trưởng một số đoàn thể chính trị xã hội. Các thành viên Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã, phường làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Nhiệm vụ của Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã, phường được thể hiện trong bốn hoạt động gồm: tham mưu giúp cấp ủy thực hiện công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; tổ chức và chỉ đạo thực hiện các hoạt động về văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; triển khai tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác khoa học, giáo dục; nghiên cứu, biên soạn, bổ sung lịch sử Đảng bộ và chỉ đạo tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử địa phương.

Xin đề xuất một số ý kiến về đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã, phường nhằm nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính khoa học, tính thuyết phục, tính hiệu quả của công tác Tuyên giáo cơ sở.

Về tổ chức: Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã, phường vẫn cơ cấu theo quy định hiện hành nhưng nên thay chức danh phó trưởng ban là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phụ trách văn hóa xã hội làm việc theo chế độ kiêm nhiệm bằng một phó trưởng ban chuyên trách nhằm từng bước chuyên môn hóa và đáp ứng yêu cầu cần có của người cán bộ tuyên giáo. Phó trưởng ban chuyên trách được chọn trong số định biên cán bộ công chức cấp xã với những chức danh được giao hai biên chế trở lên. Các thành viên khác vẫn hoạt động kiêm nhiệm để không tăng biên chế. Ngoài những yêu cầu chung đối với cán bộ, công chức, đồng chí phó trưởng ban chuyên trách phải đáp ứng được các yêu cầu đặc thù của công tác tuyên giáo: nói được, viết được, thuyết phục được, ứng dụng tốt công nghệ thông tin, có đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm cao và là một đảng viên có uy tín trong quần chúng nhân dân.

Việc chọn phó trưởng ban chuyên trách theo các yêu cầu nêu trên thay cho tiêu chuẩn cần có đối với người làm trưởng ban tuyên giáo xã, phường hiện nay: “đã tốt nghiệp trung học phổ thông, trung cấp lý luận chính trị, trung cấp chuyên môn nghiệp vụ, biết sử dụng máy vi tính” sẽ khắc phục việc chọn người làm việc chỉ dựa vào bằng cấp.

Cán bộ tuyên giáo chuyên trách xã, phường sau khi được lựa chọn tiếp tục tự tu dưỡng, rèn luyện, ra sức tự học (hầu hết cán bộ tuyên giáo giỏi đều là những tấm gương tự học) để có bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu trong đạo đức, lối sống, có tri thức văn hóa phong phú (văn hóa chính trị, văn hóa văn nghệ, văn hóa ứng xử…) mới có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Cán bộ chuyên trách tuyên giáo Đảng ủy xã, phường cần được Đảng ủy cử đi học các lớp bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và nên có chế độ phụ cấp xứng đáng với công việc được giao. Những cán bộ này sau 5 năm, 10 năm rèn luyện phấn đấu sẽ là những cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị xã, phường.

Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã, phường không những cần đổi mới về tổ chức mà còn cần đổi mới về phương thức hoạt động để nâng cao tính chiến đấu, tính khoa học, tính thuyết phục, tính hiệu quả của công tác tuyên giáo.

Hoạt động của Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã, phường gắn với công tác báo cáo viên, công tác tuyên truyền miệng. Đội ngũ báo cáo viên là những cán bộ tuyên truyền miệng do cấp ủy lựa chọn và quyết định, là người đem tiếng nói của Đảng tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Ngày nay, trình độ của cán bộ, đảng viên và nhân dân đã được nâng lên rất nhiều, được tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Mặt khác, tâm lý, tư tưởng của các tầng lớp trong xã hội cũng có những biến đổi khác trước do quá trình dân chủ hóa xã hội ngày càng phát triển đòi hỏi báo cáo viên Đảng ủy xã, phường khi tiến hành tuyên truyền về đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những vấn đề về văn hóa xã hội, quốc phòng, an ninh phải đặt ra yêu cầu nâng cao tính thuyết phục, tính hiệu quả trong công tác tuyên truyền. Để làm được điều đó, nhiều báo cáo viên có kinh nghiệm trước khi tuyên truyền đều tìm hiểu đối tượng mình truyền đạt về nhu cầu tiếp nhận thông tin, những băn khoăn cần giải đáp, những vấn đề thực tế đặt ra có liên quan tới vấn đề tuyên truyền để tìm phương thức thể hiện phù hợp.

Trước khi kết thúc buổi tuyên truyền, báo cáo viên còn dành thời gian thích hợp để đối thoại với người nghe nhằm giải đáp những vấn đề cần làm rõ, nắm bắt thêm thông tin từ thực tế và tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.

Hầu hết báo cáo viên ở Đảng bộ xã, phường đều ý thức rất rõ về vai trò của tuyên truyền miệng. Đó là một khoa học (yếu tố khoa học nằm trong các luận điểm, luận cứ, luận chứng của tài liệu tuyên truyền) và là một nghệ thuật (nghệ thuật nói, diễn đạt, đối thoại) nhằm tác động vào lòng người nghe một cách truyyền cảm để người nghe hiểu, tin và làm theo. Đây chính là tính thuyết phục của công tác tuyên truyền miệng mà hoạt động của báo cáo viên Đảng ủy xã, phường đã và đang làm.

Trên đây là một số ý kiến về đổi mới tổ chức và hoạt động của Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã, phường nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của tuyên giáo cơ sở.

Trương Tử Kỳ


Ý kiến bạn đọc