Multimedia Đọc Báo in

Phát huy vai trò của cơ quan dân cử

08:44, 19/12/2017

Thời gian qua, hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND) huyện Lắk (nhiệm kỳ 2016-2021) đã có nhiều khởi sắc, thực sự phát huy được vai trò quan trọng của một cơ quan dân cử.

Ngoài việc từng bước nâng cao chất lượng các kỳ họp, nắm bắt kịp thời các ý kiến, nguyện vọng của cử tri qua hoạt động tiếp xúc cử tri, HĐND huyện còn nâng cao, đổi mới hoạt động giám sát, khảo sát chuyên đề, chú trọng những vấn đề cử tri quan tâm; tăng cường giám sát qua các kỳ họp. So với năm 2016 thì năm nay việc giám sát được thực hiện liên tục, có trọng tâm trọng điểm, nhờ đó việc thực thi Hiến pháp và chấp hành pháp luật trên địa bàn huyện nghiêm túc, thư từ khiếu nại của người dân giảm dần.

Tăng cường giám sát, khảo sát chuyên đề là mục tiêu được Thường trực và các Ban của HĐND huyện Lắk triển khai thực hiện có hiệu quả với 1 cuộc khảo sát chuyên đề từ đầu năm và 2 cuộc giám sát vào quý II và IV năm 2017. Các ban chuyên môn như Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Xã hội và Ban Dân tộc đã thực hiện nhiều cuộc giám sát ở các lĩnh vực sát với đời sống dân sinh trên địa bàn như công tác thi hành án dân sự; việc thu, sử dụng các loại quỹ trên địa bàn các xã thị trấn và một số đơn vị; công tác quản lý và sử dụng nhà văn hóa cộng đồng tại các xã, thị trấn; chương trình 755 trên địa bàn huyện và công tác cấp phát thẻ BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời công khai rộng rãi kết quả giám sát đã góp phần hóa giải bức xúc cử tri. 

Một buổi thông báo kết luận giám sát của Thường trực HĐND huyện Lắk.
Một buổi thông báo kết luận giám sát của Thường trực HĐND huyện Lắk.

Đơn cử như công tác hỗ trợ đất ở, đất sản xuất được nhiều cử tri quan tâm, phản ánh, vì vậy quý II-2017, Ban Dân tộc HĐND huyện đã tiến hành giám sát về việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở theo Quyết định 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, qua đó  ghi nhận còn nhiều hạn chế, tồn tại trong quá trình thực hiện Quyết định. Cụ thể như người dân gặp vướng mắc trong việc nộp thuế phí, lệ phí nên chưa được cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (QSDĐ); quỹ đất khai hoang để cấp đất sản xuất nông nghiệp không còn… Sau giám sát, Ban Dân tộc HĐND huyện Lắk đã kiến nghị với phòng Tài chính - Kế hoạch tham mưu cho UBND huyện bổ sung kinh phí hỗ trợ nghĩa vụ tài chính cho 4 xã Bông Krang, Đắk Phơi, Đắk Nuê, Đắk Liêng; đề nghị UBND huyện giải quyết cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho 61 hộ thuộc dự án bình đẳng giới của xã Krông Nô…

Cũng qua nắm bắt tình hình nhận thấy hoạt động của HĐND các xã, thị trấn chưa theo kịp yêu cầu đổi mới, có nơi ban hành các văn bản chỉ đạo chưa quy củ; thành viên các Ban của HĐND cấp xã chưa nắm rõ chức năng, nhiệm vụ, dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao. Từ đó, HĐND huyện đề nghị Huyện ủy Lắk quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo bồi dưỡng, quy hoạch và bố trí, sắp xếp cán bộ có năng lực tham gia vị trí chủ chốt của HĐND các xã, thị trấn. Thường trực HĐND huyện cũng hướng dẫn HĐND các xã, thị trấn xây dựng quy chế hoạt động, phân công rõ từng thành viên, bảo đảm đúng luật, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Chất vấn và trả lời chất vấn - hoạt động giám sát trực tiếp tại các kỳ họp cũng được Thường trực HĐND huyện Lắk chú trọng. Trong đó, những nội dung đã được kiến nghị sau các cuộc giám sát, khảo sát theo chuyên đề chưa chuyển biến tích cực sẽ tiếp tục được đưa vào chất vấn tại kỳ họp. Nhờ vậy, những tồn tại, hạn chế đã từng bước được quan tâm tháo gỡ, thực hiện bài bản, nâng cao chất lượng; nổi bật là lĩnh vực quản lý đất đai; chương trình xây dựng nông thôn mới; công tác quy hoạch…

Có thể nói, những đổi mới trong hoạt động giám sát của HĐND huyện Lắk đã thực sự mang “hơi thở cuộc sống”, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. 

Băng Châu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.