Multimedia Đọc Báo in

UBND tỉnh trả lời ý kiến cử tri về lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi, chăn nuôi

10:47, 15/12/2017

Cử tri trên địa bàn tỉnh tiếp tục phản ánh về việc hiện nay giá cả vật nuôi và nông sản trên thị trường bị các tư thương chèn ép gây khó khăn cho người dân đề nghị các cấp, ngành của tỉnh và Trung ương có hướng giải quyết.

Thực tế sản xuất nông nghiệp hiện nay đang tồn tại vấn đề “được mùa mất giá”, giá thu mua sản phẩm thấp, việc tư thương chèn ép giá thu mua sản phẩm tương đối phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu do sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, không kiểm soát, mang tính chạy theo thị trường (giá cao thì ồ ạt sản xuất) mà không chú trọng đến quy trình kỹ thuật tạo ra sản phẩm chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh, thiếu liên kết giữa các khâu trong quá trình sản xuất… Sản xuất theo tập quán, chưa tuân thủ theo quy trình, quy định về chuỗi giá trị, chưa quan tâm đến chất lượng, an toàn thực phẩm, sản phẩm sản xuất ra chưa được chứng nhận, chưa xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa vì vậy chưa đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, sức cạnh tranh cho sản phẩm không cao. Sản xuất nhỏ lẻ, chưa tạo mối liên kết theo mô hình chuỗi từ trang trại đến bàn ăn, khi sản xuất với số lượng lớn đều bán qua thương lái. Do đó việc bị chèn ép về giá là điều khó tránh khỏi và phần thiệt thòi đương nhiên thuộc về người sản xuất.

Do vậy, để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh đã triển khai các giải pháp sau: Tập trung chỉ đạo, tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi, có đầu tư, áp dụng công nghệ, khoa học vào quá trình sản xuất, tạo ra sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường, gắn liền với xây dựng nông thôn mới.  Triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết chuỗi giá trị thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới 2017 và các mô hình chuỗi an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, nhằm định hướng sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với các sản phẩm chủ lực của địa phương và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Do đó, các hộ sản xuất cần phải liên kết thông qua các hình thức như: Thành lập các Tổ hợp tác hoặc Hợp tác xã, liên kết với doanh nhân, doanh nghiệp theo phương thức (bốn nhà), hình thức dồn điền đổi thửa, sản xuất với quy mô cánh đồng mẫu lớn, trang trại,  áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến chứng nhận (4C, VietGAP, GlobalGAP, HACCP…), sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, đầu tư trang bị máy móc, công nghệ hiện đại nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Thường xuyên theo dõi các bản tin giá cả thị trường và dự báo giá cả thị trường để có hướng đi phù hợp trong việc sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và thực hiện đúng chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước. Tuân thủ quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị, an toàn thực phẩm, áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, thay đổi tập quán sản xuất theo ý chủ quan, thụ động của mình.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành Nông nghiệp, các đơn vị, địa phương liên quan thực hiện có hiệu quả các giải pháp trên, tạo điều kiện tháo gỡ những khó khăn cho người nông dân, yên tâm sản xuất, nâng cao đời sống.

Do hạn hán nhiều nông dân ở huyện Cư M'gar đã phá bỏ diện tích cà phê để chuyển sang  cây trồng khác.
Do hạn hán nông dân ở huyện Cư M'gar đã phá bỏ diện tích cà phê để chuyển sang cây trồng khác. Ảnh minh họa

  Cử tri trên địa bàn tỉnh phản ánh về tình trạng thời tiết diễn biến thất thường, thường xuyên xảy ra hạn hán gây thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp của bà con nhân dân. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm hỗ trợ cho bà con nhân dân khắc phục hạn hán, tuy nhiên đây chỉ mang tính chất khắc phục hậu quả trước mắt, về lâu dài đề nghị quan tâm xây dựng các hồ, đập để phục vụ nước tưới cho sản xuất.

Việc đầu tư xây dựng công trình thủy lợi luôn được Chính phủ, Bộ NN-PTNT cũng như các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm. Những năm gần đây Bộ NN-PTNT đã và đang đầu tư một số công trình thủy lợi trọng điểm ở tỉnh ta như: công trình thủy lợi Ea Súp, công trình thủy lợi Buôn Joong, công trình thủy lợi Krông Búk hạ, Krông Pắc thượng và sắp tới sẽ đầu tư công trình thủy lợi Ea H'leo. Hiện tại quy hoạch thủy lợi tỉnh Đắk Lắk đang được ngành chức năng triển khai rà soát, điều chỉnh cho giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030 phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Song song với rà soát điều chỉnh quy hoạch thủy lợi, UBND tỉnh và các sở, ngành tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất dân sinh và nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán bằng việc huy động các nguồn lực từ vốn trái phiếu Chính phủ, vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), JICA, và các nguồn vốn khác để đầu tư. Trong đó, chú trọng đến biến đổi khí hậu và tình trạng hạn hán ngày một phức tạp. UBND tỉnh đang tích cực và chủ động trong việc tranh thủ các nguồn lực cho việc đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, đặc biệt chú trọng đến quy mô các công trình thủy lợi hồ chứa điều tiết nước cho các vùng thường xuyên bị hạn hán.

 (còn nữa)

Tòa soạn 


Ý kiến bạn đọc