UBND tỉnh trả lời ý kiến cử tri về lĩnh vực môi trường
• Cử tri huyện Cư M’gar phản ánh: Hiện nay, một số trang trại vừa và nhỏ trên địa bàn xã Ea Tar xả khí thải gây ô nhiễm môi trường. Đề nghị các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý và có hướng quy hoạch khu chăn nuôi tập trung.
Khoản 4, Điều 18, Nghị định số 18/2015/NĐ-CP, ngày 14-02-2015 của Chính phủ quy định các đối tượng chăn nuôi gia súc, gia cầm, động vật hoang dã với quy mô chuồng trại nhỏ hơn 50 m2 không phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trong thực tế sản xuất chăn nuôi, đối tượng này là một trong những thành phần gây ô nhiễm đến môi trường sống xung quanh tương đối phổ biến và bắt buộc phải áp dụng các biện pháp xử lý chất thải, rác thải trong hoạt động chăn nuôi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải theo Thông tư số 04/2016/TT-BTNMT, ngày 29-4-2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Về việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường.
UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND huyện Cư M’gar giao các đơn vị chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp xử lý môi trường nuôi đã được công nhận tiến bộ kỹ thuật và được phép lưu hành tại Việt Nam; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện.
• Cử tri xã Hòa Tân (huyện Krông Bông) kiến nghị cần có biện pháp xử lý Nhà máy chế biến tinh bột sắn thải chất thải gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến đời sống và năng suất sản xuất của nhân dân.
Đối với những doanh nghiệp có lượng phát thải lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao luôn được Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường, UBND tỉnh (Sở Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường) thường xuyên thanh tra, kiểm tra định kỳ hằng năm và kiểm tra đột xuất (trong trường hợp có phản ánh của tổ chức, cá nhân) nhằm kiểm soát ô nhiễm và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.
Liên quan đến kiến nghị của cử tri xã Hòa Tân (huyện Krông Bông) về việc Nhà máy chế biến tinh bột sắn thải chất thải gây ô nhiễm môi trường (cụ thể trong trường hợp này là Nhà máy chế biến tinh bột sắn tại xã Dang Kang thuộc Công ty Cổ phần Lương thực - Vật tư nông nghiệp Đắk Lắk, có vị trí địa lý sát với xã Hòa Tân). Hằng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Tổng cục Môi trường hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường luôn tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với cơ sở và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nếu có. Năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với đơn vị và tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 259/QĐ-XPVPHC ngày 8-2-2017 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Nhà máy với số tiền là 404 triệu đồng. Ngày 28-4-2017, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức kiểm tra việc thực hiện kết luận kiểm tra theo Thông báo số 89/TB-STNMT ngày 13-2-2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường và Quyết định số 259/QĐ-XPVPHC ngày 8-2-2017 của UBND tỉnh. Kết quả kiểm tra cho thấy: Đơn vị đang thực hiện biện pháp khắc phục các tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường, đầu tư nâng cấp cải tạo hệ thống xử lý nước thải tại cơ sở. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện tiếp tục theo dõi, giám sát việc khắc phục môi trường tại Nhà máy này, nếu tiếp tục vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
UBND tỉnh hoan nghênh ý kiến phản ánh của cử tri và đề nghị cử tri tiếp tục cùng với các cơ quan nhà nước giám sát, phản ảnh những sai phạm của doanh nghiệp về môi trường đến cơ quan nhà nước.
• Cử tri huyện Buôn Đôn đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư công trình nước sạch cho nhân dân xã Krông Ana. Ngoài ra, cử tri trên địa bàn huyện còn đề nghị Trung ương có ý kiến với các Công ty thủy điện phối hợp tốt với chính quyền địa phương để giải quyết dứt điểm các thiệt hại do thủy điện gây ra.
Về nội dung đầu tư công trình nước sạch: Công trình cấp nước xã Krông Na được đầu tư xây dựng năm 2002 do quỹ UNICEP hỗ trợ kinh phí, xây dựng xong bàn giao cho UBND xã quản lý, quy mô thiết kế cấp nước cho 360 hộ. Hiện nay công trình đã bị hư hỏng và ngưng hoạt động, theo quy định tại Thông tư số 54/2013/TT-BTC ngày 4-5-2013 quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đưa công trình cấp nước xã Krông Na vào danh mục công trình thanh lý, do các hạng mục hư hỏng quá nhiều không thể cải tạo, nâng cấp, sửa chữa. Việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước xã Krông Na, UBND tỉnh đã cho chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách tỉnh khó khăn nên chưa thể cân đối và bố trí để xây dựng công trình. Hiện nay, UBND tỉnh đang trình các bộ, ngành Trung ương xem xét bố trí vốn từ Ngân sách Trung ương để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ dân sinh có tính cấp thiết, trong đó có công trình cấp nước xã Krông Na.
-Về đề nghị Trung ương có ý kiến với các Công ty thủy điện: Công trình thủy điện Sêrêpốk 4A (do Công ty thủy điện Buôn Đôn làm chủ đầu tư). Đến nay, chủ đầu tư công trình thủy điện Sêrêpốk 4A đã giải quyết được một phần kiến nghị của các hộ dân xã Ea Huar, Ea Wer, Krông Na. Trong thời gian tới, chủ đầu tư công trình thủy điện Sêrêpốk 4A sẽ tiếp tục giải quyết các tồn tại vướng mắc liên quan đến công trình thủy điện Sêrêpốk theo Thông báo kết luận số 153/TB-UBND ngày 8-7-2015 của UBND tỉnh.
Đối với công trình thủy điện Sêrêpốk 3 (do Công ty thủy điện Buôn Kuốp làm chủ đầu tư): UBND tỉnh đã có Công văn số 6036/UBND-CN về việc đề nghị chỉ đạo thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng công trình thủy điện Buôn Kuốp. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty phát điện 3, và Công ty Thủy điện Buôn Kuốp bố trí kinh phí, chi trả tiền cho các hộ bị thiệt hại theo quy định.
UBND tỉnh sẽ thường xuyên theo dõi và tiếp tục đề nghị các bộ, ngành Trung ương, các doanh nghiệp phối hợp, giải quyết dứt điểm các tồn tại liên quan đến kiến nghị của cử tri và nhân dân.
(còn nữa)
Tòa soạn
Ý kiến bạn đọc