Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương:

Tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng

22:30, 28/12/2018
Ngày 28-12, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương nhằm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.
Tham dự Hội nghị có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Bí thư Tỉnh ủy Êban Y Phu; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Y Biêr Niê; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
 
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị (Ảnh:chinhphu.vn)
Theo đánh giá của Chính phủ, trong năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội cả nước tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Thành tựu đáng chú ý là đạt và vượt 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao, trong đó, tăng trưởng GDP cả năm đạt 7,08%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, cao nhất kể từ năm 2008; GDP bình quân đầu người đạt 2.587 USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,7%; khách quốc tế đến Việt Nam đạt kỷ lục với 15,5 triệu lượt khách, tăng 19,9% so với 2017.
Hội nghị đánh giá, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,54%; thu ngân sách nhà nước vượt trên 6% so với dự toán và tăng khoảng 9% so với năm 2017; bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát ở mức 3,6%; nợ công trong giới hạn cho phép; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11,2%, tương đương 33,5% GDP; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8%; tổng kim ngạch nhập khẩu 237,5 tỷ USD, tăng 11,5%; xuất siêu đạt 7,2 tỷ USD.
Cùng với các chỉ tiêu kinh tế, chính sách xã hội cũng được các cấp, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả, đời sống nhân dân được cải thiện. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 5,35%, riêng các huyện nghèo giảm khoảng 5%. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm đạt kết quả tích cực, đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,65 triệu người, trong đó đưa khoảng 142.000 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Chương trình Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, đến nay, cả nước có 61 huyện và trên 42% xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt mục tiêu đề ra (38,8%)…
 
 
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk 
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk
Chính phủ cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: năng suất lao động, năng lực cạnh tranh tuy đã được cải thiện nhưng còn thấp so với các nước trong khu vực; sản xuất, kinh doanh ở một số lĩnh vực còn gặp khó khăn; một số công trình, dự án chậm tiến độ, chất lượng chưa bảo đảm; tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại còn diễn biến phức tạp; đời sống người dân ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; việc quản lý, khai thác và sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản còn lãng phí, xảy ra nhiều vi phạm…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng trước những thành tựu kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh của đất nước trong năm 2018. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị các cấp, các ngành Trung ương và các địa phương cần tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực ứng phó với biến động của thị trường, duy trì đà tăng trưởng và nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất lao động, tính cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội; tích cực quan tâm các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc; tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng – an ninh, giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; đẩy mạnh và thực hiện tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng Chính phủ, chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị (ảnh: chinhphu.vn)
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phát huy những thành tựu, rút ra bài học kinh nghiệm năm 2018, triển khai đồng bộ và hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trong năm 2019. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, từ Trung ương đến địa phương phải chỉ đạo điều hành quyết liệt, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thường xuyên trong thực hiện nhiệm vụ; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khơi thông nguồn lực trong toàn xã hội, phát triển khoa học công nghệ, tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Hiệp định thương mại tự do nhằm tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, toàn diện. Cùng với đó, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy, tăng cường, củng cố niềm tin của nhân nhân; rà soát thủ tục hành chính bảo đảm công khai minh bạch, bảo vệ doanh nghiệp, doanh nhân trong sản xuất kinh doanh và cán bộ công chức, viên chức yên tâm cống hiến, đồng thời, quan tâm phòng chống thiên tai một cách chủ động nhằm giảm thiểu thiệt hại tính mạng, tài sản của nhân dân. Chú trọng phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, hỗ trợ chuyển đổi hộ sản xuất, kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp, phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp tư nhân  quy mô, hiệu quả tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước. Về nhiệm vụ trước mắt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống buôn lậu, ổn định giá cả để người dân đón Tết Kỷ Hợi 2019 an toàn, vui tươi, tiết kiệm.
 
Minh Thông
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.