Multimedia Đọc Báo in

Người giảng viên lý luận chính trị tâm huyết với nghề

07:57, 25/12/2018

Nhờ nỗ lực học hỏi, luôn tâm huyết trong từng bài giảng, anh Phạm Tấn Thỏa, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị thị xã Buôn Hồ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác chuyên môn và gặt hái nhiều thành tích cao ở các cuộc thi.

Gần đây nhất, trong Hội thi “Giảng viên lý luận chính trị giỏi toàn quốc năm 2018” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, anh Thỏa đã xuất sắc đoạt giải Ba. Trước đó, anh cũng đã đoạt giải Nhì tại Hội thi “Giảng viên lý luận chính trị giỏi khu vực miền Trung - Tây Nguyên” và giải Nhất Hội thi “Giảng viên lý luận chính trị giỏi cấp tỉnh”.

Trở về sau Hội thi “Giảng viên lý luận chính trị giỏi toàn quốc”, anh Thỏa tâm sự: “Tham gia hội thi tôi đã học được nhiều điều bổ ích. Điểm mới của hội thi năm nay là ngay sau khi thí sinh kết thúc phần thi thuyết giảng, Ban Giám khảo đóng góp ý kiến, rút kinh nghiệm giúp cho mỗi thí sinh thấy được hạn chế để khắc phục".

Anh Phạm Tấn Thỏa đoạt giải Ba tại Hội thi “Giảng viên lý luận chính trị giỏi toàn quốc năm 2018”. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Anh Phạm Tấn Thỏa đoạt giải Ba tại Hội thi “Giảng viên lý luận chính trị giỏi toàn quốc năm 2018”. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Từng là sinh viên Khoa Giáo dục chính trị Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, niềm say mê giảng dạy lý luận chính trị như ngấm vào máu anh. Nhớ lại thời gian cách đây 10 năm, khi mới về công tác tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị thị xã Buôn Hồ, anh Thỏa chia sẻ: “Lúc đó tôi mới 23 tuổi, là giảng viên trẻ tuổi nhất cơ quan, kinh nghiệm giảng dạy chưa nhiều. Trong khi đối tượng học viên của trung tâm lại đa dạng về độ tuổi, vị trí công tác, ngành nghề, trình độ học vấn… nên bản thân tôi khá nhiều áp lực trong việc đứng lớp. Vì thế, bên cạnh việc không ngừng học tập và cập nhật kiến thức, tôi luôn tranh thủ học hỏi kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng giảng dạy từ các đồng nghiệp đi trước”.

Anh Thỏa đúc kết: Giảng viên dạy lý luận chính trị không chỉ trình bày những vấn đề lý luận đơn thuần mà phải "thổi hồn" vào bài giảng từ những câu chuyện gần gũi đời sống, phải gắn nội dung lý luận với thực tiễn liên quan đến lĩnh vực công tác, thực tế...

Với những nỗ lực, phấn đấu trong công tác chuyên môn, từ năm 2015 đến nay, anh Phạm Tấn Thỏa luôn được UBND thị xã Buôn Hồ công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở; được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tặng Giấy khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo – bồi dưỡng.

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.