Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M'gar: Phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác giảm nghèo bền vững

09:24, 03/06/2019

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn huyện Cư M’gar đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực trong việc hỗ trợ, huy động nhân dân phát triển kinh tế.

Để công tác giảm nghèo đi vào thực chất, hiệu quả bền vững, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, Huyện ủy Cư M’gar đã đề ra Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời quán triệt, triển khai đến tất cả các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc; lãnh đạo, chỉ đạo các cấp chính quyền, Mặt trận và tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn thực hiện. Mục tiêu của chương trình là cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo; đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh; thúc đẩy việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2,5-3%/năm…

Gia đình bà Huỳnh Thị Hồng ở thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar) vươn lên thoát nghèo với mô hình sản xuất rau sạch.
Gia đình bà Huỳnh Thị Hồng ở thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar) vươn lên thoát nghèo với mô hình sản xuất rau sạch.

Triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo của Huyện ủy, từ năm 2016, Đảng ủy Quảng Tiến đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về giảm nghèo từng năm và chỉ đạo UBND cùng cấp triển khai kế hoạch, giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể cho các tổ chức hội, đoàn thể giúp đỡ các hộ nghèo bằng nhiều hình thức như: vốn vay, chuyển đổi sinh kế, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế... Nhờ vậy, nhiều hộ nghèo sau khi được giúp đỡ đã cải thiện được thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Điển hình như gia đình anh Đinh Công Sơn ở thôn Tiến Cường (xã Quảng Tiến) trước đây thuộc diện hộ nghèo do thiếu đất sản xuất. Năm 2016, thông qua nguồn quỹ của Hội Nông dân xã, gia đình anh được hỗ trợ vay 8 triệu đồng để mua 4 con dê về nuôi. Nhờ chăm sóc tốt, mỗi năm dê đẻ 2 lứa, mỗi lứa bình quân 2-3 con. Đến nay, anh Sơn đã gây đàn được 16 con dê mẹ. Nhờ bán dê giống và dê thịt, gia đình anh Sơn có thêm thu nhập trên 70 triệu đồng/năm và đã vươn lên thoát nghèo bền vững. 

 

Bên cạnh vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, hiệu quả trong công tác giảm nghèo còn thể hiện trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, từ bị động chuyển sang chủ động và không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước”.

 
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar Trương Văn Chỉ

Những năm gần đây, diện mạo buôn Kroa C (xã Cuôr Đăng) có nhiều đổi thay đáng kể, những ngôi nhà mái Thái, mái bằng mọc lên san sát, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện. Theo Bí thư Chi bộ buôn Y Ngoăn Êban, có được sự đổi thay đó là nhờ chi bộ buôn đã phát huy tốt vai trò nêu gương của đảng viên trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, từ đó khuyến khích, động viên người dân làm theo.

Như chính gia đình ông, trước đây cuộc sống gia đình ông cũng rất khó khăn, kinh tế trông chờ vào 1,5 ha cà phê nhưng hiệu quả không cao. Năm 2015, sau khi tham gia lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp do địa phương tổ chức, ông đã mạnh dạn mua giống bơ, sầu riêng về trồng xen trong rẫy cà phê. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên tất cả các loại cây trồng trong vườn đều phát triển tốt. Năm 2018, sầu riêng và bơ bắt đầu bước vào giai đoạn kinh doanh, gia đình ông thu lãi gần 200 triệu đồng. Nhận thấy mô hình kinh tế của gia đình mình hiệu quả, ông Y Ngoăn đã định hướng cho chi bộ buôn xây dựng nghị quyết, tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và người dân trong buôn làm theo. Đến nay, 100% các hộ trong buôn đều trồng xen các giống cây trồng có năng suất, giá trị cao như tiêu, sầu riêng, bơ trong rẫy cà phê; hoặc mua các giống bò, dê về nuôi quy mô gia trại…

Nuôi bò nhốt tập trung đang là hướng đi phát triển kinh tế ở xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar).
Nuôi bò nhốt tập trung đang là hướng đi phát triển kinh tế ở xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar).

Ông Trương Văn Chỉ, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho biết, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện tốt nhất để người dân tăng gia sản xuất phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh việc phân bổ sử dụng hiệu quả vốn đầu tư của Trung ương, của tỉnh thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo, huyện còn tích cực huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp, cộng đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; thực hiện lồng ghép chương trình xây dựng nông thôn mới với công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn… Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần nhân dân ngày càng được cải thiện. Toàn huyện hiện có 9/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trên 70% các tuyến đường giao thông nông thôn đã được rải nhựa hoặc bê tông hóa; 100% hộ nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn phát triển sản xuất. Năm 2016, huyện Cư M’gar có 4.069 hộ nghèo (chiếm 10,6% số dân), đến nay còn 2.107 hộ (chiếm 5,18% dân số).

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.