Multimedia Đọc Báo in

50 năm thực hiện Di chúc của Bác về xây dựng Đảng

09:03, 30/08/2019

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc Việt Nam. Nội dung Di chúc bao hàm tư tưởng lớn về những vấn đề cốt lõi của cách mạng Việt Nam, trong đó và “trước hết nói về Đảng”. Điều này thể hiện vai trò quyết định của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng, với đất nước, dân tộc và cũng là vấn đề hàng đầu được Bác quan tâm, nghĩ suy và trăn trở.

Tư tưởng cốt lõi về xây dựng Đảng

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đảng trong Di chúc được thể hiện trên bốn phương diện lớn: về tổ chức và vai trò của Đảng; về mục tiêu, lý tưởng; về phương pháp xây dựng Đảng và về tiêu chuẩn của người cán bộ, đảng viên.

Về tổ chức và vai trò của Đảng, Di chúc khẳng định: “Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, của sự nghiệp đấu tranh chống thực dân Pháp, của những bước đầu thắng lợi của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và công cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ ở miền Nam. Những thắng lợi đó là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố, nhưng nhân tố quan trọng nhất và có tính quyết định là vai trò lãnh đạo đúng đắn của Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt thân mật các đại biểu dự Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sỹ thi đua ngành nông nghiệp và Đổi công toàn quốc tại Hà Nội, ngày 23-5-1957. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt thân mật các đại biểu dự Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sỹ thi đua ngành nông nghiệp và Đổi công toàn quốc tại Hà Nội, ngày 23-5-1957. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Về mục tiêu, lý tưởng, Bác khẳng định trong Di chúc: Đảng không có mục tiêu, lý tưởng nào khác ngoài “một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc”. Chính trên cơ sở đó, Đảng đã tổ chức, lãnh đạo nhân dân không ngừng phấn đấu nhằm hiện thực hóa mục tiêu, lý tưởng đó trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội vì “một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Về phương pháp xây dựng Đảng, để đảm đương được trách nhiệm trước giai cấp, nhân dân và Tổ quốc thì trước hết Đảng cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong toàn Đảng, từ “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ”. Để làm được việc này, Bác chỉ ra hai phương pháp chủ yếu, đó là: thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên; nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình. Trong tự phê bình và phê bình phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.

Về tiêu chuẩn của người cán bộ, đảng viên khi Đảng trở thành đảng cầm quyền: Đó là phải “thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Đồng thời nhấn mạnh đến trách nhiệm của mỗi đảng viên và cán bộ đối với Đảng là phải giữ gìn Đảng thật sự trong sạch.

Thực hiện lời dạy của Người

Trải qua 50 năm thực hiện những chỉ dẫn của Bác trong Di chúc, Đảng ta đã không ngừng tự chăm lo xây dựng, chỉnh đốn về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng.

Huyện ủy Krông Pắc tuyên dương các điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức,  phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2019. Ảnh: L.Hương
Huyện ủy Krông Pắc tuyên dương các điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2019. Ảnh: L.Hương

Trong giai đoạn cuối của công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng đã ban hành Nghị quyết số 240-NQ/TW, ngày 25-12-1974 Hội nghị lần thứ 23 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) về tăng cường sự lãnh đạo và nâng cao sức chiến đấu của Đảng. Nghị quyết đã đánh giá tình hình Đảng và nhiệm vụ xây dựng Đảng trong giai đoạn mới, từ đó đặt ra yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, trong đó chú trọng ba mặt chủ yếu, đó là: Nâng cao năng lực lãnh đạo về đường lối, chính sách; Cải tiến và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước; Đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, thắt chặt hơn nữa mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng. Đồng thời nhấn mạnh tăng cường công tác xây dựng Đảng về tư tưởng và tổ chức trên bảy phương diện (về công tác tư tưởng; về tổ chức cơ sở đảng; về công tác đảng viên; về công tác cán bộ; về bộ máy các cấp của Đảng; về công tác kiểm tra của Đảng và về tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng).

Trong giai đoạn cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội, mặc dù đã hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, đất nước thống nhất, tuy nhiên nhiều nhiệm vụ, thách thức mới đặt ra và cần phải giải quyết trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tại Đại hội đại biểu lần thứ IV của Đảng (tháng 12-1976), đồng chí Lê Đức Thọ đã trình bày báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương về tổng kết công tác xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng. Trong đó đánh giá công tác xây dựng Đảng từ sau Đại hội lần thứ III đến Đại hội IV và một số bài học kinh nghiệm; từ đó nêu lên những nhiệm vụ, chủ trương về công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn mới và một số đề nghị về sửa đổi Điều lệ Đảng. Cũng tại Đại hội IV, Đảng quyết định đổi tên từ Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

Để góp phần hóa giải các thách thức, kiến tạo các thời cơ, qua đó tiếp tục lãnh đạo đất nước, dân tộc đi theo con đường chủ nghĩa xã hội mà sinh thời Hồ Chủ tịch đã chọn thì những tư tưởng, chỉ dẫn của Bác về xây dựng Đảng được thể hiện trong Di chúc chính là kim chỉ nam, cẩm nang quý báu, vấn đề là cần nhận thức sâu sắc để hành động.

Trong thời kỳ đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, Đảng đã ban hành và thực hiện nhiều nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng như: Nghị quyết 05-NQ/HNTW ngày 20-6-1988, Hội nghị lần thứ năm (khóa VI) một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng bảo đảm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng; Nghị quyết 08B-NQ/HNTW, ngày 27-3-1990, Hội nghị lần thứ tám (khóa VI) về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân; Hội nghị Trung ương 3, khóa VII (tháng 6-1992) về đổi mới, chỉnh đốn Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới phát triển mạnh mẽ vượt qua thách thức của sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô; Nghị quyết 10-NQ/TW, ngày 2-2-1999 của Hội nghị lần thứ sáu (lần 2) (khóa VIII) về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay; Nghị quyết 12-NQ/TW, ngày 16-1-2012 của Hội nghị lần thứ tư (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; và gần đây nhất là Nghị quyết 04-NQ/TW, ngày 30-10-2016 của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Những nghị quyết này thể hiện sự kiên quyết, bản lĩnh, quyết tâm chính trị của Đảng đối với công tác xây dựng Đảng vì sự trường tồn của chế độ, của dân tộc và tự do, hạnh phúc của nhân dân và đã thu được nhiều kết quả quan trọng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Tuy nhiên, thực tiễn thế giới và trong nước luôn vận động không ngừng, hết sức đa dạng, phức tạp. Trong quá trình đó, trong Đảng và hệ thống chính trị đã xuất hiện một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên không giữ được phẩm chất của người cộng sản, sa sút về mục tiêu, lý tưởng, rơi vào chủ nghĩa cá nhân, dẫn tới suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống và hệ quả tất yếu làm cho niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, chế độ có mặt bị giảm sút. Điều này đã và đang đặt ra những thách thức to lớn, đòi hỏi Đảng ta cần kiên quyết, kiên trì và vận dụng linh hoạt những chỉ dẫn của Người để tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Lương Hữu Nam (Trường Chính trị tỉnh)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.