Multimedia Đọc Báo in

Học và làm theo Bác ở huyện Ea Kar: Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo

08:51, 18/09/2019

Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, huyện Ea Kar đã đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng lan tỏa, đi vào chiều sâu, qua đó đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình, mô hình hay, cách làm sáng tạo trong triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị.

Để đưa Chỉ thị 05 lan tỏa sâu rộng trong đời sống, bên cạnh việc tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác và nội dung các chuyên đề, Ban Thường vụ Huyện ủy Ea Kar đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị lựa chọn những vấn đề trọng tâm, những phong trào thi đua, cách làm phù hợp theo phương châm “Trên trước, dưới sau”, “Học đi đôi với làm theo”.

Người dân thôn 7, xã Cư Ni tự nguyện di dời hàng rào mở rộng đường giao thông nông thôn.
Người dân thôn 7, xã Cư Ni tự nguyện di dời hàng rào mở rộng đường giao thông nông thôn.

Gắn việc thực hiện Chỉ thị 05 với chương trình xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy xã Cư Ni đã xây dựng nghị quyết chuyên đề, trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền vận động, phát huy quy chế dân chủ cơ sở, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm tạo sự đồng thuận và niềm tin trong nhân dân. Trên cơ sở đó, chi bộ, ban tự quản, Mặt trận và các đoàn thể của 23 thôn, buôn đã triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế và nội lực trong dân.

 

Việc thực hiện Chỉ thị 05 đã có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, tác động tích cực đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh".

 

 
Bí thư Huyện ủy Ea Kar Y Nhuân Byă 

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chi bộ thôn 10, xã Cư Ni đã xây dựng nghị quyết chuyên đề, tổ chức họp toàn thể nhân dân để tuyên truyền, bàn bạc thống nhất cách làm, mức đóng góp, bầu ban vận động, ban thanh tra nhân dân, ban giám sát làm đường; chọn các tiêu chí ưu tiên thực hiện trước... Anh Trần Công Chứ, một người dân trong thôn cho biết, cách làm của thôn là để nhân dân thực sự là chủ thể, từ việc thảo luận mức đóng góp, thu chi, triển khai thực hiện đến kiểm tra, giám sát nên nhân dân rất đồng tình hưởng ứng.

Nhờ phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, thôn 10 đã huy động người dân đóng góp 210 triệu đồng xây dựng hội trường thôn, cổng thôn văn hóa; đóng góp 250 triệu đồng, hiến 8.000 m2 đất, di dời 600 m hàng rào để làm 3 km đường; đóng góp kéo điện chiếu sáng dài 2 km dọc đường trục chính của thôn. Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cư Ni Nhữ Đình Tuyến cho biết, cũng bằng cách làm này, từ năm 2016 đến nay, xã Cư Ni đã huy động được 26 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó nhân dân đóng góp trên 6,3 tỷ đồng. Cư Ni là xã thứ 2 của huyện Ea Kar cán đích nông thôn mới vào cuối năm 2018.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND thị trấn Ea Knốp giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND thị trấn Ea Knốp giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Theo đánh giá của Bí thư Huyện ủy Ea Kar Y Nhuân Byă, qua việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện đều đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong học tập và làm theo Bác. Chẳng hạn như Hội Phụ nữ với phong trào thực hành tiết kiệm đã huy động được trên 14,2 tỷ đồng giúp nhau phát triển kinh tế; Hội Cựu chiến binh huyện vận động hội viên đóng góp vốn lưu động trên 9 tỷ đồng cho hội viên vay với lãi suất thấp; Hội Chữ thập đỏ huyện với chương trình “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Ngân hàng bò”; xã Ea Ô, thị trấn Ea Knốp với mô hình “Tiếng kẻng an ninh”, “Cọc rào an ninh”; Trường Mầm non Thanh Bình (xã Ea Sar) làm vườn rau sạch, bếp ăn tạm cho học sinh, làm đồ dùng dạy học, đồ chơi cho trẻ…

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.