Multimedia Đọc Báo in

Những "nhịp cầu" kết nối "ý Đảng lòng dân"

06:19, 02/05/2020

Sinh ra, lớn lên, trưởng thành từ buôn làng, khi được cấp ủy, chính quyền, người dân tin tưởng giao trọng trách, họ đã phát huy vai trò, trách nhiệm, thực sự trở thành “nhịp cầu” kết nối “ý Đảng" với "lòng dân”...

Nữ bí thư chi bộ tuổi 70

Phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ, sau thời điểm 30-4-1975, bà H’Uăn Mlô ở buôn Ko Tam (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) đã tình nguyện tham gia dân quân du kích địa phương, góp sức bảo vệ trụ sở làm việc của cán bộ ở các buôn, vận động quần chúng, chống Fulrô. Sau đó bà làm cán bộ phụ nữ buôn Ko Tam từ năm 1977 và được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ea Tu năm 1980. Ngày 3-4-1986, bà H’Uăn vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Với sự năng động, nhiệt huyết trong công việc, bà H’Uăn đã được tin tưởng giao trọng trách Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND xã Ea Tu trong 15 năm kể từ năm 1989 cho đến khi về hưu. Với mong muốn được tiếp tục cống hiến cho địa phương, năm 2004 bà tham gia Đội Công tác chuyên trách 253 xã Ea Tu với vai trò Đội trưởng và đảm nhận Bí thư Chi bộ buôn Ko Tam từ năm 2017 đến nay.

Bà H'Uăn Mlô dành thời gian tìm hiểu thêm thông tin qua sách báo.
Bà H'Uăn Mlô dành thời gian tìm hiểu thêm thông tin qua sách báo.

Là cán bộ trưởng thành từ cơ sở, bà H’Uăn hiểu rõ: Muốn người dân tin vào Đảng và Nhà nước, không nghe lời xúi giục của kẻ xấu thì không thể nói theo sách vở một cách máy móc, khô cứng, mà cần chọn lúc thích hợp rồi phân tích thực tế, giúp bà con hiểu chỉ có sinh sống, làm ăn ở buôn làng, gia đình mình là an toàn, được sự giúp đỡ, bao bọc của dòng họ, chính quyền địa phương... Với suy nghĩ đó, bà đã cùng chi bộ, ban tự quản, các đoàn thể của buôn, các thành viên đội công tác thường xuyên tiếp cận, vận động người dân phát triển sản xuất, quan tâm cho con em đi học chữ, học nghề. Nắm bắt tâm lý người dân trong buôn e ngại đi làm ăn xa nên khó tìm việc làm, bà H’Uăn vừa làm công tác tư tưởng, đồng thời cử thành viên đội công tác đưa lao động địa phương giới thiệu với các công ty ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương… Nhờ vậy, các hộ đã mạnh dạn cho con em đi làm việc ở ngoài tỉnh, xuất khẩu lao động.

Nhờ sự kiên trì, khéo nói, khéo làm của bà H’Uăn, người dân buôn Ko Tam đã bỏ được hủ tục bói toán, cúng khi có người đau ốm; tự nguyện hiến đất, góp công làm đường giao thông; tham gia tập luyện, diễn tấu cồng chiêng, văn nghệ, chăm lo làm ăn, xây dựng nhà cửa khang trang. Hiện toàn buôn chỉ còn 9 hộ nghèo, 19 hộ cận nghèo. “Năm nay mình đã 70 tuổi, sức khỏe yếu nhiều rồi, muốn rút lui để cho thế hệ trẻ làm nhưng cấp trên cứ động viên mãi. Thôi thì mình làm được gì cho buôn, cho bà con thì cố gắng làm...”, bà H’Uăn bộc bạch.

Người đảng viên “một gánh hai vai”

Nhiều năm liền đảm nhận cán bộ chuyên trách dân số xã, phó buôn rồi đến trưởng buôn, Phó Bí thư Chi bộ buôn Kwăng A (xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ), ông Y Khuê Ayun luôn được bà con tin tưởng bởi sự nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc.

Buôn Kwăng A có 194 hộ, gần 850 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số trên 98%. Theo ông Y Khuê, để bà con hiểu, đồng thuận với các chủ trương, chính sách của Đảng cần sự kiên trì, mềm dẻo trong công tác tuyên truyền, vận động theo phương thức “mưa dầm thấm lâu” và luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động. Năm 2006, khi có chủ trương đầu tư xây dựng nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhưng buôn Kwăng A chưa có quỹ đất, ông Y Khuê đã bàn bạc với gia đình tự nguyện hiến 400 m2 đất cho buôn. Việc làm của ông đã tạo sự lan tỏa tích cực trong cộng đồng người dân tộc thiểu số tại chỗ khi triển khai chủ trương xây dựng nông thôn mới.

Ông Y Khuê Ayun tuyên truyền chính sách dân số cho người dân  trong buôn.
Ông Y Khuê Ayun tuyên truyền chính sách dân số cho người dân trong buôn.

Thực hiện phong trào làm đường giao thông nông thôn, ông Y Khuê đã cùng với cấp ủy, ban tự quản, các đoàn thể buôn tổ chức họp dân, phân tích rõ lợi ích, vai trò của từng hộ trong xây dựng nông thôn mới; phát huy quy chế dân chủ cơ sở trong việc lấy ý kiến đóng góp của người dân về cách làm, mức đóng góp, kiểm tra, giám sát. Đối với những trường hợp “chưa thông”, ông trực tiếp “gõ từng nhà” để vận động. Chỉ sau một thời gian ngắn, toàn bộ các tuyến đường nhánh của buôn đã được giải tỏa, san ủi rộng từ 3 – 6 m, những trục đường chính rộng 8 m. Sau đó, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới buôn Kwăng A do ông Y Khuê làm Trưởng ban tiếp tục vận động nhân dân đóng góp hàng trăm ngày công, gần 500 triệu đồng cùng với kinh phí hỗ trợ của xã và Trung đoàn 95 để bê tông hóa gần 2 km đường giao thông.

Để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, ông Y Khuê còn khuyến khích bà con phát triển kinh tế theo mô hình đa cây, đa con, trồng xen các loại cây ăn quả trong vườn cà phê, tiêu nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, ông vận động các hộ trong buôn giữ gìn vệ sinh môi trường, thu dọn nhà cửa, phòng chống dịch bệnh trên người và vật nuôi.

Mặc dù là nam giới nhưng với vai trò là cán bộ chuyên trách dân số xã gần 26 năm, ông đã tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ dần quan điểm “đông con nhiều của”, “trời sinh voi, sinh cỏ”, biết áp dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Nhờ vậy, tỷ lệ sinh con thứ 3 của buôn đã giảm còn 11%. Kwăng A là buôn đầu tiên của xã Cư Bao được công nhận đạt buôn văn hóa từ năm 2001 đến nay.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc