Multimedia Đọc Báo in

Những thành tựu nổi bật 75 năm nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

Bài 4: Phát triển toàn diện con người Việt Nam - mục tiêu xuyên suốt của Đảng

07:13, 27/08/2020
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn coi con người là vốn quý nhất, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, là nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Giải phóng con người và chăm lo xây dựng, phát triển toàn diện con người Việt Nam là mục tiêu xuyên suốt, nhất quán của Đảng ta. 
 
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách lớn về phát triển giáo dục. Cả nước sôi nổi thực hiện phong trào bình dân học vụ, từ năm 1945 đến năm 1964, số người thoát nạn mù chữ lên đến 10,5 triệu người. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, việc xóa nạn mù chữ đã căn bản hoàn thành ở miền xuôi, phong trào bổ túc văn hóa phát triển mạnh mẽ. Ở miền Nam, sau giải phóng, chúng ta đã tổ chức cho hàng chục vạn người theo học các lớp bổ túc văn hóa. Nhà trẻ và các lớp mẫu giáo, các trường phổ thông phát triển rộng khắp. Hệ thống các trường sư phạm nhanh chóng được hình thành ở khắp các tỉnh thành, đào tạo thêm hàng vạn giáo viên mới.
 
Từ năm 1986, thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước, lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng có nhiều đổi mới, thể hiện ở sự phát triển mạng lưới các trường học, sự tăng nhanh quy mô giáo dục, những chuyển biến bước đầu về chất lượng giáo dục. Năm 2000, cả nước đã đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học; đến năm 2010, tất cả các tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS.  
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh cùng lãnh đạo Sở GD-ĐT  tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi quốc gia.   Ảnh:  Như Quỳnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh cùng lãnh đạo Sở GD-ĐT tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi quốc gia. Ảnh: Như Quỳnh

Các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục đào tạo được quan tâm đầu tư và từng bước hiện đại hóa. Số trường lớp được xây dựng mới theo chuẩn quốc gia ngày càng tăng. Năm học 2019 - 2020, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ở cấp tiểu học là 59,7%; cấp THCS là 56,7%; cấp THPT là 37,04%. Tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục hằng năm của Việt Nam ở mức xấp xỉ 20%, tương đương 5% GDP. So với các nước, trong khu vực, tỷ lệ chi tiêu công cho giáo dục trên GDP của Việt Nam cao hơn nhiều nước, thậm chí so với các nước có trình độ phát triển kinh tế cao hơn.

Các sản phẩm văn hóa tăng đáng kể về số lượng, chất lượng. Nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật đã có bước phát triển năng động, thích nghi với nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Nhiều giá trị văn hóa Việt Nam, được thế giới công nhận và trở thành một phần trong kho tàng văn hóa nhân loại. Đến năm 2020, cả nước có 28 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO ghi danh; 301 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 191 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia; 3.498 di tích quốc gia; 122 di tích quốc gia đặc biệt; 168 bảo tàng, thường xuyên lưu giữ và trưng bày khoảng 3 triệu tài liệu, hiện vật.
 
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt nhiều thành tựu quan trọng; có sự đổi mới theo hướng đa dạng hóa các hình thức tổ chức khám, chữa bệnh; từng bước thực hiện công bằng trong khám, chữa bệnh cho người dân. Công tác dự phòng, phát hiện sớm, quản lý các bệnh không lây nhiễm được chú trọng; năng lực giám sát, dự báo, phát hiện và khống chế dịch bệnh được nâng lên. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tăng nhanh, từ 60,9% dân số năm 2010 lên 90,7% vào năm 2020[1].
 
Mạng lưới y tế cơ sở được phát triển rộng khắp toàn quốc. Cả nước có 1.400 bệnh viện với 180.000 giường bệnh, 700 trung tâm y tế huyện, quận, thị xã; hơn 11.100 trạm y tế xã, phường, thị trấn, trong đó có hơn 60% số trạm y tế đã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2010- 2020… Tuổi thọ trung bình tăng từ 72,9 tuổi năm 2010 lên 73,7 tuổi vào năm 2020, trong đó nam giới 71,2 tuổi, nữ giới 76,5 tuổi[2].
 
Nhiều giải pháp tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động được thực hiện. Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi ở thành thị có xu hướng giảm dần từ mức 4,5% năm 2010 xuống còn 3% năm 2020[3]. Công tác dạy nghề cũng đạt được những kết quả quan trọng, số người được đào tạo nghề liên tục tăng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo được cải thiện đáng kể từ 40% năm 2010 lên 65% năm 2020.
 
Thành tựu xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam cũng được thế giới đánh giá cao. Giai đoạn 2010 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 14,2% năm 2010 xuống còn 7% năm 2015 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015) và giảm từ 9,2% năm 2016 xuống dưới 3% năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều).
 
Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam liên tục được cải thiện, thuộc nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình cao của thế giới; từ mức 0,654 năm 2010 (thứ hạng 114/189 quốc gia và vùng lãnh thổ) lên mức 0,694 năm 2017 (thứ hạng 116/189 quốc gia và vùng lãnh thổ)…
 
Những kết quả trên là minh chứng cho nỗ lực của Đảng và Nhà nước ta vì mục tiêu phát triển toàn diện con người Việt Nam trong suốt tiến trình lịch sử.
Theo tài liệu  Ban Tuyên giáo Trung ương
 
(*) Xem từ số báo ra ngày 24-8-2020
[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (Tài liệu sử dụng tại Đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương), tháng 4/2020, tr.102. 
[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (Tài liệu sử dụng tại Đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương), tháng 4/2020, tr.102.
[3]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (Tài liệu sử dụng tại Đại hội đảng bộ cấp huyện, cấp tỉnh và tương đương), tháng 4/2020, tr.100.
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.