Multimedia Đọc Báo in

Đề nghị bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung đánh giá kết quả, nhiệm vụ, giải pháp

10:54, 03/09/2020

Những nội dung nêu trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (sau đây gọi là Dự thảo) đã khái quát đánh giá những thành tựu, tồn tại, hạn chế đồng thời nêu khá rõ 5 nhóm giải pháp thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh đến năm 2025, định hướng năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Qua nghiên cứu Dự thảo, tôi xin được bổ sung một số nội dung mà Dự thảo chưa thể hiện hoặc nêu còn chưa rõ ý.

1. Trong phần đánh giá những thành tựu: Mục công tác dân vận (trang 11), Dự thảo đã nêu: “Tiếp tục chỉ đạo làm tốt công tác kết nghĩa” nhưng trong phần phụ lục cũng không có số liệu đánh giá kết quả. Thời gian qua, Tỉnh ủy đã có chủ trương giao cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh kết nghĩa với các buôn, thôn đồng bào dân tộc thiểu số để kịp thời tuyên truyền vận động, động viên về tinh thần, hỗ trợ vật chất (trong khả năng của cơ quan, đơn vị) để đồng bào yên tâm phát triển kinh tế. Đã có nhiều cơ quan, đơn vị có những cách làm hay, hiệu quả tốt. Vì thế, nên bổ sung là: “Tiếp tục chỉ đạo làm tốt công tác kết nghĩa, đến nay đã có 100% thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh được các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, huyện và cơ sở kết nghĩa”. Đồng thời, nên có số liệu minh họa ở phần phụ lục.

1. Ảnh:
Người dân huyện Buôn Đôn tham gia hiến máu tình nguyện đợt tháng 3-2020. Ảnh: C.Xin

2. Đảng lãnh đạo toàn diện mọi mặt đời sống xã hội, ngoài các tổ chức chính trị còn có những tổ chức xã hội, hội đặc thù cũng có nhiều đóng góp đáng được ghi nhận. Chẳng hạn: Thực hiện khẩu hiệu “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, hằng năm, Hội Chữ thập đỏ các cấp đã phối hợp với các đoàn thể vận động thanh niên hiến hàng nghìn đơn vị máu; phong trào “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đã hỗ trợ cho hàng nghìn hộ nghèo, hộ khó khăn trong cuộc sống. Mỗi khi bão lũ, thiên tai hội lại vận động, tiếp nhận hàng trăm tấn hàng hóa, kịp thời đến sẻ chia với người dân vùng hoạn nạn. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều tổ chức thiện nguyện và triển khai các hoạt động rất tốt. Hoặc Hội Khuyến học, Hội Nạn nhân chất độc da cam, Hội Bảo trợ trẻ em và người tàn tật… đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội của tỉnh. Do đó, theo tôi ban soạn thảo nên đưa vào báo cáo những thành tựu của các tổ chức đó (nếu có điều kiện nên minh họa số liệu ở phụ lục).

3. Về nhiệm vụ, giải pháp: Trong phần 1 “Tiếp tục tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”, Dự thảo nêu: “Phát triển toàn diện ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản phù hợp với phát triển nền kinh tế chung của cả tỉnh, trong vùng và cả nước, khai thác tốt thị trường nông sản trong nước…” (trang 30), theo tôi nên bổ sung thêm một ý nhỏ là “Phát triển toàn diện ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản phù hợp với phát triển nền kinh tế chung của cả tỉnh, trong vùng và cả nước, khai thác tốt thị trường nông sản trong nước, hình thành các chợ đầu mối nông sản ở một số huyện vùng sâu”…

Mai Viết Tăng

Cán bộ hưu trí xã Hòa Phong (huyện Krông Bông)


Ý kiến bạn đọc