Multimedia Đọc Báo in

Cải cách hành chính - gắn kết cán bộ với nhân dân

06:31, 06/10/2020

Cải cách hành chính (CCHC) trước hết là để mang đến sự hài lòng cho người dân. Xác định điều đó, thời gian qua UBND phường Thống Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) đã thực hiện hiệu quả phong trào thi đua đẩy mạnh CCHC hướng về cơ sở, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Thay đổi nhận thức cán bộ, công chức

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có thái độ, năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức trong thực thi công vụ, phục vụ nhân dân là yếu tố then chốt trong CCHC. Để thực hiện điều đó, trước tiên UBND phường Thống Nhất đã thay đổi tác phong làm việc của cán bộ, công chức theo hướng chuyên nghiệp; đồng thời, thay đổi  hình ảnh người cán bộ nghiêm nghị, khô cứng bằng thực hiện cán bộ nữ mặc áo dài, nam mặc sơ mi trắng vào thứ hai đầu tuần, các ngày làm việc còn lại đều mặc đồng phục sơ mi công sở (triển khai từ năm 2015).

Người dân đến thực hiện các thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa phường Thống Nhất.
Người dân đến thực hiện các thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa phường Thống Nhất.

Để hỗ trợ người dân giải quyết các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, mỗi cán bộ phường đều được tập huấn các kiến thức cơ bản trong việc tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn các quy trình, thủ tục xử lý hồ sơ cho người dân, do đó họ đều có thể san sẻ, hỗ trợ, tham gia công việc ở bộ phận một cửa, thực hiện các giao dịch đầy đủ, đúng quy định, chu đáo, nhã nhặn và lịch sự.

Bên cạnh đó, tất cả cán bộ, công chức phường đều phải ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), sử dụng hộp thư điện tử trong công việc, thực hiện gửi, nhận, xử lý văn bản điện tử trên hệ thống quản lý văn bản – điều hành (IDesk); triển khai dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp một cửa liên thông (IGate); sử dụng phần mềm dùng chung hộ tịch và cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 và 4…

Hướng về cơ sở

Những năm qua, công tác CCHC của phường Thống Nhất được UBND TP. Buôn Ma Thuột đánh giá cao và là một trong những đơn vị dẫn đầu của thành phố về Chỉ số CCHC hằng năm. Giai đoạn 2015 - 2020, phường đã tiếp nhận giải quyết TTHC 56.600 hồ sơ, không có hồ sơ trễ hạn; trong đó, hơn 80% hồ sơ được giải quyết trong buổi, 15% hồ sơ giải quyết trong ngày và 0,7% hồ sơ cần xác minh.

Cán bộ phường Thống Nhất hướng dẫn người dân nộp hồ sơ qua điện thoại thông minh.
Cán bộ phường Thống Nhất hướng dẫn người dân nộp hồ sơ qua điện thoại thông minh.

“Để đạt kết quả này, UBND phường đã tập trung CCHC theo tiêu chí hướng về cơ sở, tạo sự gắn kết giữa cán bộ, công chức với nhân dân, tạo lòng tin và sự quý mến của nhân dân đối với chính quyền. Trong đó, ngoài việc thành lập tổ hướng dẫn công dân tại bộ phận một cửa, tổ tuyên truyền CCHC tại các tổ dân phố để hướng dẫn người dùng có thể sử dụng điện thoại thông minh thực hiện nộp hồ sơ vào bất cứ lúc nào, ở đâu mà không cần phải đến bộ phận một cửa thì UBND phường còn thực hiện giải quyết TTHC tại nhà cho hộ dân và sẵn sàng giải quyết 24/7 đối với những trường hợp cấp thiết”, bà Trịnh Như Ngọc, Chủ tịch UBND phường Thống Nhất chia sẻ.

Cụ thể, từ năm 2017, đơn vị đã triển khai việc hỗ trợ đăng ký và trả kết quả giải quyết TTHC tại nhà đối với một số thủ tục như đăng ký khai tử, thủ tục hỗ trợ chi phí mai táng với đối tượng trợ cấp xã hội hằng tháng; các chế độ bảo trợ xã hội hằng tháng cho người cao tuổi, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng… Trong những ngày nghỉ và thời gian ngoài giờ làm việc, cán bộ, công chức phường vẫn có thể giải quyết bất cứ lúc nào nếu người dân thực sự cần gấp. Ông Nông Thanh Mạo (tổ dân phố 7) phấn khởi chia sẻ: Việc CCHC của cán bộ phường đã giúp người dân thuận tiện hơn rất nhiều khi cần giải quyết các TTHC, giảm bớt thời gian chờ đợi và đi lại. Với những người già, người neo đơn, khuyết tật thì càng vui mừng hơn vì mỗi khi cần thì cán bộ phường đến tận nhà để hướng dẫn các giấy tờ cần thiết cũng như hỗ trợ giải quyết TTHC.

Trong 3 năm liền (2017-2019), phường thống Nhất là đơn vị dẫn đầu về chỉ số CCHC (PAR – Index) với nhiều mô hình mới, cách làm hay được UBND TP. Buôn Ma Thuột đánh giá cao và nhân rộng.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.