"Chìa khoá dân vận" trên đại công trình Hồ chứa nước Krông Pách thượng (kỳ 3)
Ngày mới nơi vùng đất mới
Với sự tham gia quyết liệt, hỗ trợ đồng bộ của cả hệ thống chính trị các cấp, sự kiên trì vận động của các cán bộ làm công tác dân vận, nhận thức của người dân ở vùng lòng hồ cần di dời đã thay đổi. Họ đồng lòng, thống nhất đi đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống, yên tâm phát triển kinh tế.
Đây là cuộc di dân quy mô lớn từ huyện này sang huyện khác ở Đắk Lắk nên Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện M’Drắk Y Khoan Niê Kđăm cho biết chính quyền địa phương nơi đi và cả nơi đến đã có nhiều chính sách hỗ trợ, chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để bảo đảm an toàn, sớm ổn định cuộc sống cho người dân.
Đoàn viên, thanh niên huyện M'Drắk hỗ trợ người dân xã Cư San tháo dỡ nhà cửa. |
Hỗ trợ từ nơi đi lẫn nơi đến
Được biết, ngoài chi phí đền bù, hỗ trợ về đất đai, nhà cửa tại nơi ở cũ của từng gia đình khác nhau thì mỗi hộ đến khu tái định cư sẽ được nhận 1.000 m2 đất, trong đó có 400 m2 đất ở tại nông thôn, 600 m2 đất vườn và 1 ha đất tái định canh (gồm 5.000 m2 đất trồng lúa và 5.000 m2 đất trồng cây hằng năm khác). Song song đó, những hộ di dời sẽ được hỗ trợ xây dựng nhà ở mới trên 15 triệu đồng/khẩu; 8 triệu đồng/hộ để di chuyển người và tài sản; kinh phí làm thủ tục dời nhà cũ, nhận nhà mới 1 triệu đồng/hộ và kinh phí làm lễ tâm linh 2 triệu đồng/hộ.
Ngoài ra, công tác hỗ trợ dân tại nơi đi – nơi đến được chủ đầu tư và các địa phương vùng dự án phối hợp nhịp nhàng. Tùy thuộc vào số lượng các hộ dân di chuyển, địa phương nơi đi – nơi đến sẽ cắt cử lực lượng phù hợp để hỗ trợ, bảo đảm tuyệt đối an toàn về người và tài sản. Cụ thể, UBND huyện M’Drắk chịu trách nhiệm giúp đỡ người dân tháo dỡ nhà cửa, đưa người dân tới điểm giao nhận (khu vực tiếp giáp huyện Ea Kar), huyện Ea Kar tổ chức tiếp đón người dân, đưa về khu tái định cư và hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống mới. Cùng với đó, cứ 1 hộ chuyển đến, huyện Ea Kar cũng huy động mỗi xã cử 15 người/ngày gồm: dân quân tự vệ, cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên để phụ giúp người dân dựng lại nhà cửa. Chỉ trong vòng 1 tháng (từ 12-3 đến 12-4-2021) huyện Ea Kar đã huy động 16/16 xã, thị trấn, tổ thường trực đón dân và các ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện với tổng số 660 công hỗ trợ giúp dân; bình quân hỗ trợ hơn 15 công/hộ.
Lực lượng dân quân tự vệ xã Cư Prông (huyện Ea Kar) giúp người dân dựng nhà tại Khu tái định cư số 1 (xã Cư Elang, huyện Ea Kar). |
Giữa cái nắng gay gắt của những ngày tháng tư, lực lượng cán bộ hỗ trợ của một số xã trên địa bàn huyện Ea Kar chia ra từng nhóm hỗ trợ người dân mới di dời đến. Trực tiếp tham gia vào việc dựng nhà cho một hộ dân di dời đến khu tái định cư xã Cư Elang từ tối hôm trước, anh Thẩm Văn Ân (dân quân tự vệ xã Cư Prông) chia sẻ: "Tôi và các anh em ở địa phương có mặt ở đây từ lúc 7 giờ sáng để giúp hộ ông Sùng Seo Chín (thôn 10, xã Cư San) dựng lại nhà. Sau khi bốc vác, vận chuyển tài sản của hộ dân xuống điểm tập kết; chúng tôi bắt tay vào đóng khung, dựng nhà (đối với hộ dựng nhà gỗ), lợp mái, tường để kịp hoàn thành trong ngày giúp gia đình ông Chín dọn đồ đạc vào ở trong thời gian nhanh nhất có thể".
“Khơi dòng” cho những cánh đồng “khát” Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng hoàn thành sẽ cấp nước tưới cho khoảng 14.900 ha đất nông nghiệp của huyện Ea Kar và một phần huyện Krông Pắc; cấp nước sinh hoạt cho gần 73.000 người dân và hoạt động chăn nuôi. Được biết, những năm qua, tình trạng hạn hán, lũ lụt liên tiếp xảy ra đã khiến đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh nói chung, các huyện phía Đông của tỉnh như: Krông Pắc, Ea Kar, M’Drắk… gặp không ít khó khăn. Những năm khô hạn kéo dài khiến nhiều diện tích cây trồng bị mất trắng, nước sinh hoạt của người dân bị thiếu nghiêm trọng. Với sức chứa nước khổng lồ của lòng hồ và khả năng tưới tiêu lớn, hồ chứa Krông Pách thượng đã và đang hứa hẹn một tương lai tươi sáng cho những cánh đồng “khát” ở một số địa phương phía Đông của tỉnh; giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt; tạo cảnh quan du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản và cải thiện đời sống nhân dân. |
Dù đồng hồ đã điểm gần 11 giờ trưa, nhân viên của đơn vị cung cấp điện và nước vẫn đang nỗ lực mang dịch vụ đến sớm cho các hộ dân. Vừa đấu nối đường ống nước, vừa trò chuyện với chúng tôi, anh Vũ Trung Kiên, nhân viên Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho hay, gần một tháng nay, sau khi nhận thông tin từ huyện Ea Kar về số lượng các hộ dân chuyển đến Khu tái định cư số 1 ở xã Cư Elang, trên cơ sở tùy vào số lượng các hộ dân di dời, đơn vị sẽ cắt cử, phân công cán bộ, nhân viên đến đấu nối đường ống nước cho bà con, bảo đảm trong thời gian ngắn nhất người dân có nước sinh hoạt để sử dụng.
An cư mới lạc nghiệp
Khu tái định cư số 1 có tổng diện tích gần 390 ha. Trong đó, khu đất tái định cư 46 ha gồm các hạng mục cơ sở hạ tầng, khả năng bố trí được 300 hộ dân sinh sống và khu tái định canh diện tích gần 342 ha gồm đất trồng cây hằng năm, đất trồng lúa.
Dù đang bận rộn với việc dựng nhà, sắp xếp đồ đạc tại nơi ở mới nhưng khi biết chúng tôi từ đường xa tìm đến, bà Giàng Thị Giáng niềm nở trò chuyện: "Rời nơi đã từng ở hơn 20 năm dẫu có phần tiếc nuối nhưng vì chủ trương chung của Nhà nước nên gia đình tôi đã chấp hành di dời đến nơi mới. Tại đây, thấy được chỗ ở mới của mình nằm gần trung tâm xã, đường sá đi lại thuận lợi, điện, nước được hỗ trợ đấu nối trong ngày đầu tiên đến; đặc biệt nhìn thấy ruộng lúa của những hộ đi trước phát triển xanh tốt nên tôi cũng cảm thấy vui mừng. Chúng tôi tin tưởng và hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn ở vùng đất mới này".
Ông Nguyễn Đình Thìn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh phấn khởi bày tỏ: để có sự đồng tình của những hộ dân khu vực lòng hồ di dời sang khu tái định cư trong thời gian qua là sự chỉ đạo sát sao của Bộ NN-PTNT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chủ đầu tư, chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là sự đồng lòng của toàn thể nhân dân vùng Dự án. Đây mới là kết quả bước đầu, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân thực hiện chủ trương di dời về nơi ở mới. Riêng đối với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh sẽ căn cứ vào các phương án phê duyệt, kịp thời chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ bà con với tinh thần “làm hết việc chứ không hết giờ”.
Cánh đồng lúa của các hộ dân ở Khu tái định cư số 1 (xã Cư Elang, huyện Ea Kar). |
Theo số liệu thống kê của UBND huyện Ea Kar, trong số 44 hộ dân ở xã Cư San đã di dời đến khu tái định cư (từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4-2021), địa phương đã bố trí, sắp xếp cho tất cả con em các gia đình này đến lớp học ngay sau hôm chuyển đến. Trong đó, bậc mầm non có 14 em, tiểu học 10 em và cấp THCS 7 em. Không chỉ thế, thời tiết đang giữa mùa khô, nắng nóng nên công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng được quan tâm kịp thời để phòng, chống dịch bệnh. Bà Ma Thị Sơ, một hộ dân mới di dời đến nơi ở mới vào ngày 30-3 phấn khởi nói: “Sau hôm di dời đến khu tái định cư, các con của tôi (đang học lớp 3 và lớp 6) được đến trường học ngay mà không phải chờ làm thủ tục nhập học. Có trường lớp khang trang, lại gần nhà nên từ nay chúng tôi cũng không còn lo cảnh các cháu phải buổi học, buổi nghỉ do trời mưa hay vì nhà quá xa trường như trước đây”.
Có thể nói, sau hơn 10 năm dự án được triển khai thực hiện, người dân ở vùng lòng hồ Krông Pách thượng đã bắt đầu được di dời đến khu tái định cư với niềm tin về một cuộc sống mới tốt đẹp hơn. “Tại đây, mọi điều kiện thiết yếu như điện, đường, trường, trạm, nước sạch, nước sản xuất, đặc biệt là đất ở và đất sản xuất đều đã được đầu tư, bố trí bài bản. Cùng với đó, chính quyền địa phương luôn đồng hành để người dân nhanh chóng bắt nhịp với nơi ở mới, ổn định cuộc sống, yên tâm phát triển kinh tế”, đồng chí Y Nhuân Byă, Bí thư Huyện ủy Ea Kar khẳng định.
Hoàng Tuyết – Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc