Multimedia Đọc Báo in

Đảng bộ huyện Krông Pắc

Nhiều giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng

08:13, 28/05/2021

Bước vào nhiệm kỳ 2020 - 2025, để hiện thực hóa những nhiệm vụ trọng tâm và then chốt, Đảng bộ huyện Krông Pắc đã tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với nhiều giải pháp mang tính đột phá.

Cụ thể hóa bằng các nghị quyết chuyên đề

Đảng bộ huyện Krông Pắc có 48 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, trong đó có 23 đảng bộ (với 504 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở) và 25 chi bộ cơ sở. Toàn Đảng bộ có 7.116 đảng viên, trong đó 2.793 đảng viên nữ; 1.228 đảng viên dân tộc thiểu số; 71 đảng viên là người có đạo.

Theo Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến, nhiệm kỳ 2015 - 2020, tuy hầu hết các mục tiêu chủ yếu đã đạt và vượt so với chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu ở một số chi bộ đảng còn hạn chế, chất lượng sinh hoạt thấp; công tác kiểm tra, giám sát hằng năm của một số cấp ủy và ủy ban kiểm tra còn mang tính hình thức, nội dung dàn trải…

Chính vì vậy, ngay sau khi Nghị quyết Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2020 - 2025 được ban hành, Huyện ủy Krông Pắc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc nhanh chóng triển khai ngay các nhiệm vụ trọng tâm ngắn hạn cũng như của cả nhiệm kỳ theo nghị quyết đã đề ra. Các nghị quyết chuyên đề cũng sớm được xây dựng ban hành để thu hút đầu tư, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa cũng như hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Bí thư Huyện ủy  Krông Pắc Trần Hồng Tiến (đi đầu) tham quan mô hình vải tại xã Ea Kly.
Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến (đi đầu) tham quan mô hình vải tại xã Ea Kly.

Ngay trong quý I năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành 4 nghị quyết chuyên đề gồm: Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư trên địa bàn huyện đến năm 2025; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025; Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ giai đoạn 2021 - 2025; Tiếp tục phấn đấu xây dựng huyện Krông Pắc đạt chuẩn huyện nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025. Đây là những nghị quyết cụ thể hóa những đột phá chiến lược của nhiệm kỳ, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Đối với công tác xây dựng, ban hành nghị quyết của cấp ủy các cấp, Ban Thường vụ Huyện ủy đặc biệt quan tâm chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng, bảo đảm các nghị quyết được ban hành đúng trọng tâm, giải quyết được những bức xúc ở địa phương, tính khả thi cao.

Đồng chí Trần Hồng Tiến cho biết thêm: Để sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới việc nghiên cứu, quán triệt, học tập và triển khai thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng nhằm nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy các cấp đối với việc tổ chức quán triệt, học tập các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Trong quán triệt, học tập nghị quyết, Huyện ủy cũng đã chỉ đạo đổi mới hình thức, hạn chế phương pháp “đọc - nghe” một cách thụ động như trước đây, mà báo cáo viên phải chú trọng phân tích những điểm mới, điểm cốt lõi của nghị quyết, gắn với liên hệ tình hình thực tế ở địa phương, đơn vị.

Phát huy vai trò nêu gương

Xác định “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt”, Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Pắc cũng đã tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên. Trong đó, việc thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII), Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, gắn với việc thực hiện Quy định số 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, luôn được các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện nghiêm túc.

 
Nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, trong công tác kiểm tra, giám sát cũng sẽ được đổi mới theo hướng kiểm tra có trọng tâm, giám sát ngày càng mở rộng về nội dung, đối tượng và dần đi vào nền nếp".
 
Bí thư Huyện ủy Krông Pắc  Trần Hồng Tiến

Ông Nguyễn Văn Hoan, Bí thư Đảng ủy thị trấn Phước An cho biết, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Quy định số 08-QĐ/TW, các nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 (khóa XII),  Đảng bộ thị trấn đã chú trọng đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, tạo chuyển biến rõ nét trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, Đảng bộ đặc biệt quan tâm phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu cũng như cán bộ đảng viên, không ngừng tự rèn luyện về phẩm chất, năng lực, đổi mới phương pháp, tác phong công tác ngang tầm nhiệm vụ với yêu cầu, đòi hỏi của tình hình mới.

Đồng chí Trần Ngọc Liêm, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy khẳng định: Việc thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương, đặc biệt là Quy định số 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên ở huyện Krông Pắc đã tạo những chuyển biến tích cực, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên; kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực.

Với việc thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, huyện Krông Pắc ngày càng có nhiều mô hình kinh tế phát triển kinh tế hiệu quả.
Với việc thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, huyện Krông Pắc ngày càng có nhiều mô hình kinh tế phát triển kinh tế hiệu quả.

Nhờ chủ động, tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng ở Đảng bộ huyện không ngừng được nâng lên, phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở, lãnh đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần đưa kinh tế - xã hội ở địa phương ngày càng phát triển.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.