HĐND tỉnh: Dấu ấn đổi mới trong hoạt động giám sát
Nhiệm kỳ 2016 – 2021, HĐND tỉnh đã tập trung đổi mới về phương pháp, nội dung, cách thức tổ chức các hoạt động giám sát theo hướng phù hợp, hiệu quả, đi vào chiều sâu. Qua đó, góp phần chấn chỉnh hoạt động của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh, tạo niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đa dạng hình thức, nội dung giám sát
Trong nhiệm kỳ 2016 – 2021, HĐND tỉnh đã áp dụng nhiều hình thức như: giám sát chuyên đề tại các kỳ họp; giám sát giữa hai kỳ họp; giám sát thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; chất vấn, giải trình tại kỳ họp...
Nhiệm kỳ qua, HĐND tỉnh đã tiến hành 4 phiên giám sát chuyên đề về: chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh; chấp hành pháp luật và nghị quyết của HĐND tỉnh trong công tác quản lý bảo vệ rừng và việc giao đất, giao rừng thực hiện các dự án nông, lâm nghiệp; tình hình đầu tư công; việc chấp hành pháp luật về quản lý các cơ sở y tế và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Thành viên Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh tìm hiểu công tác khám chữa bệnh BHYT tại Trạm Y tế xã Krông Jing, huyện M'Drắk. |
Bên cạnh đó, HĐND tỉnh đã tổ chức giải trình 2 nội dung gồm: trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác thu hút đầu tư, quản lý, sử dụng tài sản công và sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Ngoài các cuộc giám sát của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, các ban của HĐND tỉnh đã tổ chức được 32 cuộc giám sát và 25 cuộc khảo sát.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, khi nhận được báo cáo của các cơ quan, đơn vị được giám sát, tổ chuyên viên giúp việc đã nghiên cứu và tham mưu cho đoàn giám sát lựa chọn một số vấn đề đi thực tế, gặp gỡ cử tri để nắm thêm thông tin, thẩm tra số liệu báo cáo, sau đó mới làm việc với các cơ quan, đơn vị được giám sát và các cơ quan liên quan.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Hiệp cho biết: Chính nhờ việc đi thực tế trước, nên đoàn giám sát có được những thông tin chính xác, cụ thể, thuận tiện trong buổi làm việc trực tiếp với cơ quan, đơn vị được giám sát cũng như các cơ quan liên quan. Đồng thời, các thành viên trong đoàn giám sát cũng xác định được những thông tin “nóng”, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân và việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để chuyển thành câu hỏi chất vấn lãnh đạo các cơ quan liên quan tại các kỳ họp. Những nội dung chất vấn liên quan đến các vấn đề như: hỗ trợ thu hồi đất, thuê đất, phá rừng, lấn chiếm đất trái phép, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hạ tầng giao thông, các chính sách an sinh xã hội... đã được cử tri quan tâm theo dõi, đồng tình, ủng hộ.
Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị sau giám sát
Qua hoạt động giám sát, chất vấn, HĐND tỉnh đã nêu những kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, yếu kém, hạn chế trong quá trình quản lý, điều hành, thực hiện Hiến pháp, pháp luật của các cấp, ngành, địa phương có liên quan. Lãnh đạo các sở, ngành cũng đã trả lời đầy đủ những câu hỏi đặt ra, chỉ rõ khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân cần phải tháo gỡ để hoạt động quản lý, điều hành hiệu quả hơn.
Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh giám sát tình hình quản lý, sử dụng quỹ BHYT, công tác khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn huyện M'Drak. |
Thực hiện “giám sát sau giám sát”, không “đánh trống bỏ dùi” là yêu cầu cần thiết góp phần nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử. Chính nhờ sự chỉ đạo, đôn đốc, theo dõi sát sao của Thường trực, các ban HĐND mà các ý kiến, kiến nghị sau giám sát đã được chỉ đạo giải quyết ngày càng kịp thời, có chất lượng hơn” Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Y Biêr Niê
|
Thực hiện vai trò, chức năng theo luật định, trong nhiệm kỳ qua, Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh đã tổ chức các cuộc giám sát về các vấn đề: quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế (BHYT), công tác khám chữa bệnh BHYT; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin; bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng; giảm nghèo bền vững; xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia; việc thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em...
Theo Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh Phan Thị Như Thủy, những vấn đề được chọn để giám sát đều được cử tri quan tâm và đang nổi cộm tại địa phương. Qua giám sát, khảo sát, Ban đã chỉ ra những hạn chế để các cấp, các ngành, các địa phương tập trung khắc phục như: công tác thực thi các chính sách, pháp luật về BHYT chưa tốt, việc cấp thẻ BHYT còn chậm và nhiều sai sót, còn tình trạng lạm dụng quỹ BHYT; số lao động nông thôn được đào tạo nghề còn thấp, chất lượng đào tạo chưa cao, trang thiết bị chưa đáp ứng nhu cầu; không gian văn hóa cồng chiêng ngày càng bị thu hẹp, nguồn kinh phí bố trí cho công tác bảo tồn còn ít; công tác giảm nghèo chưa thực sự hiệu quả, chất lượng giảm nghèo chưa bền vững...
Thường trực HĐND tỉnh đã phân công các ban HĐND theo dõi quá trình chỉ đạo của UBND tỉnh cũng như tiến độ và kết quả giải quyết của các sở, ngành, địa phương đối với các kiến nghị sau giám sát, qua đó kịp thời có văn bản đôn đốc, nhắc nhở. Cùng với đó, Thường trực HĐND tỉnh theo dõi việc tổ chức thực hiện, đôn đốc UBND tỉnh thực hiện “lời hứa” tại kỳ họp trước và báo cáo kết quả tại kỳ họp sau, bảo đảm những ý kiến, kiến nghị của cử tri và đại biểu HĐND tỉnh được các cơ quan liên quan thực hiện.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc