Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường: Tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do

08:47, 02/03/2011

Đây là một trong những thông tin quan trọng, thu hút sự quan tâm của nhiều người ngay sau Nghị quyết 11/NQ-CP, ngày 24-2-2011 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội được ban hành.

Tại Nghị quyết 11, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng; trong quý II-2011 trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do; ngăn chặn hiệu quả các hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới… Với quy định này, có thể hiểu rằng, trong tương lai gần, các tiệm vàng sẽ không còn được phép kinh doanh vàng miếng như hiện nay mà chỉ được kinh doanh vàng trang sức; việc mua bán vàng miếng sẽ được thực hiện bởi một đầu mối.

Khách chọn mua vàng tại Chi nhánh NHNN&PTNT Kim Ngân.
Khách chọn mua vàng tại Chi nhánh NHNN&PTNT Kim Ngân.

Chính phủ đưa nội dung quản lý hoạt động kinh doanh vàng vào Nghị quyết 11, là vấn đề cần thiết, bởi việc tích trữ vàng nói chung, vàng miếng nói riêng dưới dạng “của để dành” như hiện nay là không làm lợi cho nền kinh tế. Lượng vàng miếng lưu thông trên thị trường tự do hiện nay đã tiêu tốn một lượng ngoại tệ rất lớn của nền kinh tế để nhập khẩu vàng thỏi về chế tác. “Đất nước phải bỏ ra một lượng ngoại tệ khổng lồ để nhập một thứ hàng hóa chỉ làm lợi cho giới đầu cơ là không nên, cần phải xóa bỏ. Mặt khác, cấm kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do là để giảm nhập siêu, quản lý chặt chẽ lượng vàng thỏi nhập vào thị trường trong nước” - giám đốc một chi nhánh ngân hàng ở Dak Lak cho biết. Điều đáng quan tâm là chính việc mua bán vàng miếng dễ dàng như lâu nay đã sinh ra nạn đầu cơ vàng vật chất, không chỉ đẩy giá vàng rơi vào vòng xoáy “sốt” liên tục mà còn là nguyên nhân trực tiếp đẩy giá USD trên thị trường tự do tăng cao. Thực tế cho thấy, khi nhu cầu vàng tăng cao, giới buôn lậu phải “gom” USD để nhập vàng, kéo theo giới buôn USD trên thị trường tự do cũng gom USD, đẩy giá lên cao. Cứ vậy, giá vàng và USD thi nhau “leo thang” mà chẳng đem lại lợi ích gì, thậm chí còn gây hại cho nền kinh tế. Những biến động của thị trường vàng trong thời gian qua đã tác động không nhỏ đến lạm phát, tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô… Lâu nay, để điều tiết thị trường vàng, NHNN thường chỉ dùng biện pháp cấp phép xuất, nhập vàng theo thời gian cụ thể, nhưng biện pháp này xem ra hiệu quả không cao vì nguồn ngoại tệ có hạn, và nếu giới đầu cơ bắt tay nhau đẩy giá thì không lượng cung nào có thể chặn đà tăng giá của vàng. Nhiều ý kiến cho rằng, vàng miếng là một dạng phương tiện thanh toán, chủ yếu được nắm giữ, đầu cơ chứ không phục vụ tiêu dùng như vàng trang sức nên có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường tiền tệ. Vì thế, cần phải cấm kinh doanh tràn lan để hạn chế tình trạng găm giữ, đầu cơ trục lợi.

Xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do là rất cần thiết, phù hợp với nguyện vọng của số đông, song thực hiện như thế nào cho hiệu quả, ít ảnh hưởng đến người dân là vấn đề cần được xem xét cẩn trọng. Nên chăng trước mắt, Nhà nước phải có biện pháp mua lại số vàng miếng đang được cất trữ trong dân, bảo đảm người dân không bị thiệt thòi. Còn về lâu dài, để giải quyết nhu cầu đầu tư vàng trong dân, cơ quan chức năng cũng nên nghiên cứu thành lập trung tâm giao dịch vàng và giao cho NHNN chủ trì, vừa làm chức năng trọng tài điều hành hoạt động, vừa được quyền can thiệp khi cần thiết.

 

L.N

 


Ý kiến bạn đọc