Multimedia Đọc Báo in

Tình trạng xuống cấp của các công trình thủy lợi: Nỗi lo an toàn trong mùa mưa lũ

09:12, 17/06/2011

Dak Lak là một trong những tỉnh Tây Nguyên có nhiều công trình thủy lợi, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu tưới tiêu sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do các công trình được xây dựng đã lâu, chủ yếu là công trình thủy lợi vừa và nhỏ nên đã xuống cấp gây mất an toàn, nhất là trong mùa mưa lũ.

Tràn xả lũ của Công trình Thủy lợi Buôn Joong, Cư M’gar. (Ảnh: L.H)
Tràn xả lũ của Công trình Thủy lợi Buôn Joong, Cư M’gar. (Ảnh: L.H)
Theo khảo sát mới đây của Chi cục Thủy lợi, toàn tỉnh hiện có trên 640 công trình thủy lợi gồm: 561 hồ chứa, 81 đập dâng và 45 trạm bơm với khoảng 816 km kênh chính và 966 kênh nhánh. Trong số 516 hồ chứa, 8 hồ có dung tích trên 10 triệu m3 , 17 hồ có dung tích trên 5 triệu m3, 39 hồ trên 1 triệu m3, còn lại là hồ có dung tích dưới 1 triệu m3. Về thực trạng an toàn hồ chứa, trong số 513 công trình có tràn xả lũ, chỉ có 244 có tràn kiên cố, còn lại chủ yếu tràn bán kiên cố và tràn tự nhiên. Chính vì vậy, qua nhiều năm khai thác, nước qua tràn và cống xói nhiều vào thân đập đã gây mất an toàn cho các hồ chứa. Về những nguyên nhân các hồ chứa hiện nay thường mất an toàn trong mùa mưa lũ, theo ông Phạm Tiến San, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngoài nguyên nhân về quy mô, “tuổi” của công trình, thì hiện trạng khai thác, quản lý các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh cũng là một trong những vấn đề đáng quan tâm. Trong số trên 640 công trình thủy lợi lớn, nhỏ, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi chỉ quản lý 12 công trình, chủ yếu là công trình lớn. Số còn lại do huyện, xã và doanh nghiệp quản lý, trong đó cấp huyện quản lý 15 công trình, hợp tác xã 290 và doanh nghiệp 199 công trình. Do thiếu cán bộ chuyên môn nên công tác quản lý, vận hành,  khai thác các công trình thủy lợi ở địa phương chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật, đặc biệt là công trình do các hợp tác xã quản lý. Từ cách quản lý phân tán như vậy nên việc quản lý khai thác, đầu tư nâng cấp nhiều công trình chưa được quan tâm đúng mức, nên nhanh chóng xuống cấp, không phát huy hết năng lực tưới. Công tác kiểm tra an toàn hồ chứa vì vậy mà cũng chưa được thường xuyên. Như trên địa bàn huyện Ea H’leo hiện có 40 công trình thủy lợi vừa và nhỏ được giao cho các xã quản lý, khai thác, tuy nhiên, duy nhất chỉ có hồ chứa nước Ea D’răng được bảo vệ, có chế độ điều tiết nước hợp lý, số còn lại đều trong tình trạng “cha chung không ai khóc”. Chính vì vậy, không chỉ nhanh bị hư hỏng mà nhiều công trình ở các xã còn bị mất thiết bị như tay quay, van đóng - mở cống dẫn nước, tràn xả lũ… Đập chứa nước A6, xã Ea Wy, sau khi được đầu tư nâng cấp năm 2009, với kinh phí 3,7 tỷ đồng, nhưng chỉ vài tháng sau đã bị tháo trộm vô-lăng điều khiển cống dẫn nước, tràn xả lũ khiến nước trong lòng hồ A6 chảy tự do quanh năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Rồi đến hồ chứa nước Ea Ral, do chính quyền xã buông lỏng quản lý nên người dân đưa máy móc, phương tiện đến sục bùn lấy cát đã gây bồi lắng, đe dọa đến sự an toàn của công trình. Bên cạnh đó, do thiếu kinh phí nên công tác duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa hằng năm đối với các công trình cũng không được thường xuyên… Còn như công trình thủy lợi Cư Kpô, xã Cư Kpô, huyện Krông Buk được đầu tư nâng cấp vào năm 1992, đến nay đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, việc sửa chữa chỉ mang tính chắp vá, tạm thời vì thiếu kinh phí nên nếu mưa lũ xảy ra thì công tác an toàn hồ chứa khó có thể được bảo đảm. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Buk, trên địa bàn huyện này có tổng cộng 36 công trình thủy lợi, trong đó 30 công trình thuộc vốn ngân sách Nhà nước (hiện được giao cho các hợp tác xã sử dụng nước quản lý và vận hành); 6 công trình do Công ty Cà phê Buôn Hồ và Công ty Cà phê Phước An quản lý. Ngoài ra còn có  một số công trình do thời gian xây dựng và sử dụng đã lâu nên nay đã xuống cấp, nhất là đối với các công trình do các công ty cà phê đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác. Để bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ, chính quyền địa phương cũng đã đề nghị UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Giảm nhẹ thiên tai tỉnh cùng các sở ngành liên quan xem xét cấp kinh phí để huyện tu bổ công trình nhằm bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ.
Do thiếu kinh phí đầu tư nâng cấp, tu bổ, nhiều công trình thủy lợi bị sạt lở, xuống cấp.
Do thiếu kinh phí đầu tư nâng cấp, tu bổ, nhiều công trình thủy lợi bị sạt lở, xuống cấp.
Vấn đề kinh phí luôn là bài toán hóc búa đối với công tác duy tu bảo dưỡng các các công trình thủy lợi hiện nay, bởi các công trình thủy lợi lớn nhỏ trong tỉnh, phần lớn được xây dựng từ những năm 70 và 80 của thế kỷ trước đều xuống cấp nghiêm trọng. Để bảo đảm an toàn hồ chứa trong mùa mưa lũ, mỗi năm tỉnh cần tối thiểu 100 tỷ đồng đầu tư cho việc duy tu, sửa chữa. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp, bình quân mỗi năm, tỉnh cũng chỉ bố trí khoảng 1,8 tỷ đồng phục vụ cho công tác này. Với số kinh phí hạn hẹp như vậy  nên ngành cũng chỉ ưu tiên bố trí vốn tu bổ công trình nào xuống cấp, gây mất an toàn ở mức báo động nghiêm trọng. Để bảo đảm an toàn cũng như khai thác hiệu quả các công trình, ngoài việc tăng cường đầu tư nâng cấp, tỉnh cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực quản lý, vận hành, khai thác; thúc đẩy nhanh việc chuyển giao các công trình thủy lợi từ các công ty cà phê, lâm nghiệp cho địa phương quản lý.

Yên Ninh

Ý kiến bạn đọc


(Video) Chủ động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tỉnh Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.