Multimedia Đọc Báo in

Nhộn nhịp loại hình bán dạo về nông thôn dịp cuối năm

09:08, 14/12/2011

Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp cuối năm thì những người bán dạo lại nhộn nhịp đưa các loại hàng hóa gia dụng về nông thôn, rao bán tận nhà cho người dân. Trong số hàng hóa ấy có không ít hàng kém chất lượng, hàng giả…

Đổ xô bán dạo dịp cuối năm
Những ngày này ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh, chúng ta dễ dàng bắt gặp từng đoàn người hành nghề bán dạo bằng phương tiện xe máy, chở theo các loại hàng hóa gia dụng như đồ điện tử, bếp gas, xoong nồi, đệm… về tận nông thôn, vùng sâu, vùng xa để rao bán. Dịch vụ này diễn ra rải rác nhiều năm nay, nhưng tập trung nhộn nhịp nhất vào mỗi dịp cuối năm, khi đến mùa thu hoạch cà phê. Tiếp xúc với một người hành nghề bán dạo ở huyện Krông Ana, xưng tên là Nguyễn Hạnh cho biết: anh hành nghề này tại Dak Lak đã hơn 2 năm, chưa lần nào đưa hàng đi mà không bán được. Mỗi lượt vận chuyển bằng xe máy bán dạo anh chỉ mang theo từ 3 - 5 món hàng để bán hết trong ngày. Anh tiết lộ: “mình là nhân viên bán hàng cho một công ty xuất nhập khẩu ở Bình Dương (tuy nhiên anh không cho biết tên và địa chỉ cụ thể của Công ty) lương mỗi tháng 3 triệu đồng, nếu bán hàng vượt quá định mức được giao sẽ có thưởng thêm. Những tháng trước đây, mỗi ngày rong ruổi chỉ bán được 1 chuyến hàng, còn dịp cuối năm như hiện nay thì bán từ 2- 4 chuyến hàng/ngày”. Việc bán hàng dạo cũng phải tuân theo quy định tự giao kết với nhau, mỗi đoàn người đều được phân chia theo từng khu vực buôn bán. Một người tên Minh cùng đi trong nhóm của anh Hạnh cho hay: riêng trên địa bàn huyện Krông Ana được phân chia cho khoảng 40 người bán hàng dạo, đa phần là nam giới từ 20 - 50 tuổi. Việc phân chia theo vùng sẽ tránh được trường hợp tranh giành khách, hỗ trợ nhau nếu xảy ra bất trắc dọc đường như xe hỏng, tai nạn… Bên cạnh đó, thống nhất được với nhau về giá bán chung các loại sản phẩm và các hình thức khuyến mãi để lấy lòng tin của khách hàng. Những ngày này tại các huyện Cư Kuin, Buôn Đôn, Ea Súp… đội ngũ bán dạo đã khá đông đúc. Mỗi sáng sớm, hay đầu giờ chiều họ thường tập trung tại các quán nước ven đường trước khi tỏa đi các địa bàn trong huyện. Phần đông những người hành nghề bán dạo đều đến từ các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Phú Yên, Bình Phước… họ có thâm niên trong nghề và thông thuộc các địa bàn ở Dak Lak. Một người trong nhóm bán hàng dạo tại huyện Ea Súp tiết lộ: hầu hết các mặt hàng mà họ đem bán đều có xuất xứ từ Trung Quốc, ngoài ra còn có một số sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam sản xuất nhưng ghi nguồn gốc xuất xứ tại nước ngoài. Các mặt hàng này được thương lái chở bằng xe ô tô tập trung tại một số điểm ở TP. Buôn Ma Thuột,  sau đó phân phát cho những người đi bán dạo bằng xe máy. Các mặt hàng này đều được họ mua với giá rẻ, kết hợp với một số mánh khóe tặng quà khuyến mãi hấp dẫn, đưa về nông thôn bán với giá cao. Bình quân mỗi ngày gần đây anh bán được 3 lượt hàng, trừ các khoản chi phí xăng xe, ăn uống thì cũng lãi được gần 3- 5 triệu đồng.

fge
Xe máy chở hàng tập trung tại một quán nước ở huyện Krông Ana
trước khi tỏa về các xã trong huyện.

Người nông dân dễ bị dụ
Với đội ngũ bán dạo chuyên nghiệp, quảng cáo nhiệt tình lại có các chương trình khuyến mãi, bốc thăm trúng thưởng hấp dẫn, hình thức bán dạo các mặt hàng gia dụng về nông thôn đang rất thịnh hành tại Dak Lak. Do nhu cầu tiêu dùng lớn vào dịp cuối năm, lại có điều kiện tiền bạc rủng rỉnh trong mùa thu hoạch cà phê, người nông dân, nhất là người dân tộc thiểu số ở các vùng nông thôn nhanh chóng trở thành khách hàng của giới kinh doanh này. Không cần biết các mặt hàng trên xuất xứ từ đâu, chất lượng như thế nào, chỉ nghe quảng cáo êm tai về sản phẩm, thấy hấp dẫn từ các món quà khuyến mãi… bà con sẵn sàng bỏ ra một số tiền không nhỏ để mua hàng. 32 tuổi nhưng vợ chồng anh Sùng Khái Hòa ở xã Yang Hanh, huyện Krông Bông đã có 4 đứa con, Cuộc sống kinh tế gia đình bấp bênh với 2 sào lúa và hơn 1 sào cà phê. Trong ngôi nhà gỗ chừng 20 m2 không có vật dụng gì quý giá ngoài chiếc ti vi “lúc tỏ lúc mờ”, ấy vậy mà vừa qua anh đã bỏ ra 5 triệu đồng để mua một chiếc bếp từ có xuất xứ Trung Quốc, kèm theo quà khuyến mãi là bộ nồi inox nhỏ. Cả 2 sản phẩm này giá bán trên thị trường chỉ chưa đến 1 triệu đồng (!) Vậy mà, theo anh Hòa: “đang còn rẻ chán, bởi sẽ được bảo hành trong 12 năm nếu hư hỏng mình có thể đi đổi cái khác mà không mất thêm tiền”(!). Ngoài chiêu  hứa hẹn sẽ bảo hành dài hạn, chị Lê Thị Thi ở xã Ea Tân, huyện Krông Năng cũng được người bán dạo đưa đến tận nhà giới thiệu chiếc máy mát xa mini có thể hút hết bệnh với giá 5,5 triệu đồng, kèm theo phiếu rút thăm trúng thưởng tại chỗ được bộ ly thủy tinh. Nhưng do chưa có tiền mặt, lại nghe lời giới thiệu ngon ngọt chị đã đập heo đất tiết kiệm của con được 2 triệu, vay thêm hàng xóm để mua bằng được sản phẩm này vì sợ người khác mua mất. Lại có trường hợp như gia đình anh Lê Văn Hải ở xã Cư Kty, huyện Krông Bông, cũng mua nồi cơm điện từ người bán dạo chỉ sử dụng được chưa đến một tuần đã hỏng. Anh than thở: Lúc mua về thì nấu được, nhưng mấy ngày sau cơm không chín, đành bỏ xó. Ông Võ Thái Bình, Phó chủ tịch xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông cho biết: Hiện nay người bán dạo về địa phương rất đông, để quản lý việc buôn bán này và kiểm soát các mặt hàng trên thật hay giả thì rất khó. Bất chấp sự khuyến cáo của chính quyền địa phương, người dân vẫn đổ xô mua hàng. Có những hộ gia đình nghèo cũng cố vay mượn tiền để mua những thứ đồ xa xỉ để rồi không dùng đến, hay vợ chồng đánh nhau cũng vì mua giá đắt, rẻ, mua phải hàng giả…  Việc bán hàng về tận nông thôn là rất cần thiết, góp phần phục vụ nhu cầu ngày càng cao của đời sống người dân, nhưng để lựa chọn sản phẩm nào thực sự cần thiết, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của gia đình mình thì bà con cần phải cân nhắc kỹ. Tốt hơn hết bà con nên đến những địa chỉ mua hàng cụ thể, có nhãn mác, bao bì bảo đảm để nếu có sai sót gì còn được bảo vệ đúng pháp luật.

Lê Thành

 


Ý kiến bạn đọc